top of page

</3

-
May 19, 2024
April 20, 2024
Hà Đào

</3 - Mở xưởng của Hà Đào, nhiếp ảnh gia, người viết và điều phối chương trình tại trung tâm nhiếp ảnh Matca.


Gồm các tác phẩm dựa trên những bi kịch có thật mà Hà Đào biết đến qua báo chí và mạng xã hội. </3 của cô chạm đến tình yêu, chia lìa và tội ác trong lịch sử gần của Việt Nam, lồng ghép trong đó là loạt truy vấn không hồi kết về khả năng sáng tạo và đạo đức của máy ghi hình, hay cụ thể hơn là về việc sử dụng những câu chuyện ta không nắm quyền sở hữu.


__________________


Sử dụng đa dạng các phương tiện tường thuật thông tin (hình chụp, bản thu âm, bản ghi hình - các chất liệu vừa sẵn có, vừa được tái dựng), </3 đề xuất một BỐI CẢNH TRẦN THUẬT mà trong đó khía cạnh chức năng truyền tải thông tin thuần túy gần như trở nên vô nghĩa: khối lượng lớn nội dung được phơi bày, được tri nhận trực tiếp với hàng loạt chi tiết cụ thể, sống động nhưng ngay lập tức mất hiệu lực; những gì được trình hiện không hoàn toàn vô dụng nhưng lại trống rỗng. Bối cảnh trần thuật ấy ngược lại kích thích những câu hỏi về những gì không được / không thể được trình hiện, về “vùng mù” đã nằm ngoài khung hình camera, và nhắc lại một điều mà ta dường như hay quên mất khi sống trong thời đại của truyền thông và mạng xã hội, ngày ngày bủa vây bởi các tin tức và ảnh chụp: mọi ghi chép bằng hình ảnh dù không bị bóp méo đi chăng nữa cũng sẽ luôn chỉ kể được một phần của câu chuyện mà thôi.


Truy cầu về sự thật (tức khía cạnh thông tin) là bất khả, </3 đồng thời lại mở ra một cơ hội khám phá khác cho những người ngoài cuộc (bao gồm cả khán giả và bản thân nghệ sĩ) - trong vị trí NGƯỜI XEM, ấy là một khảo sát từ khía cạnh ‘tình cảm’ - khía cạnh mà theo như Roland Barthes chính là điểm hấp lực của Nhiếp ảnh và Nghệ thuật: 


"Tôi muốn khám phá nó không phải như một Câu hỏi, một Luận đề mà như một Vết thương: Tôi nhìn, Tôi cảm giác được, Tôi lưu tâm chú ý vào đó, quan sát và suy ngẫm.” 

(Camera Lucida)


Website nghệ sĩ: ha-dao.com

CÁC TÁC PHẨM
​ẢNH TRIỂN LÃM


Vì Các Lẽ Trên (2019) 


" Loạt tác phẩm xoay quanh một án mạng xảy ra tại tỉnh Bình Dương vào năm 2017, xuất hiện trên truyền thông với những tình tiết rùng rợn mà ly kỳ. Trong cuộc cãi vã do ghen tuông, để phòng vệ, người phụ nữ tên Hàng Thị Hồng Diễm đã đâm chết chồng mình rồi phân xác để phi tang tại căn phòng trọ công nhân của họ. Trước phiên toà xét xử kéo dài bốn tiếng, cô tường thuật toàn bộ diễn biến của cái đêm định mệnh ấy. 


Khi theo dõi tin tức về vụ việc, tôi chú ý đến sự vênh lệch giữa văn bản chú thích mô tả tường tận và những bức hình tư liệu trực diện thuần tuý: đặt trong bối   cảnh hiện trường vụ án, một góc phố vắng, thùng phi  nhựa bên vỉa hè, nội thất với vật dụng thường nhật bỗng mang ý nghĩa mới, trở thành bằng chứng cho sự kiện không nhân chứng. Tựa như một cuộc điều tra muộn màng, tôi tìm đến một số địa điểm tại Bình Dương để chụp lại các phân cảnh dàn dựng và sẵn có. Kết hợp trích đoạn ghi âm tại phiên toà, tác phẩm này tái hiện vụ việc dựa trên lời khai của người  vợ/bị cáo.



____________



Nếu Có Thiên Đường (2024) 


Tác phẩm video kể về Dung Hà (Vũ Hoàng Dung), một thời được mệnh danh là bà trùm giang hồ từ đất cảng Hải Phòng. Cô từng tổ chức đánh bạc, ăn vận “như đàn ông” và có những mối tình với phụ nữ một cách công khai. Bên cạnh những hoạt động phi pháp, xu hướng tính dục của Dung Hà cũng trở thành chủ đề được bàn tán trên báo giới. Năm 2000, Dung Hà bị giết trong một cuộc thanh trừng bằng súng ngắn, đánh dấu bước chuyển cho thế giới ngầm tại Việt Nam.


Trên giai điệu ca khúc 'Đêm Nay Anh Mơ Về Em', ta theo chân một giang hồ sa cơ lỡ vận tìm đến những nơi xưa chốn cũ và cuối cùng là hội ngộ trong giây lát với người cô đã nặng lòng. Vay mượn thẩm mỹ của phim ca nhạc hai thập niên trước, không gian hư cấu này dành trọn cho một mối  tình dang dở trong thời điểm xã hội từ chối chấp nhận những biểu hiện giới và khát khao lệch chuẩn. 


Đối mặt với khoảng cách thời gian và sự bất khả trong việc tìm kiếm thông tin/sự thật, trí tưởng tượng trở thành chiến lược để tôi dựng lên câu chuyện về cái giá của tình yêu đan xen với những vật lộn sinh tồn. Trí tưởng tượng cũng cho tôi khoảng tự do nhất định để khám phá và khơi gợi lại ký ức đã lắng xuống hay buộc phải lặng im. Tuy nhiên, trong lúc loay hoay xử trí những hoài nghi về khả năng và vai trò của hình ảnh, đôi khi sa đà vào lối suy tư học thuật, có lẽ điều thực sự thôi thúc tôi là câu hỏi: Liệu ta hiểu được gì về cuộc đời người khác?

ĐÊM KHAI MẠC

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page