Into Thin Air
Dự án nghệ thuật công cộng
‘Một không gian công cộng vốn không của riêng ai, nhưng đồng thời lại thuộc về tất cả mọi người; Nơi không chỉ lưu giữ lịch sử và ký ức của cư dân,mà còn phản ánh cá tính của họ; nơi không được chú ý hay dễ bị lãng quên, nhưng lại có tiềm năng để trở thành không gian của tự do và sáng tạo’
Về dự án
“Into thin air” là dự án nghệ thuật công cộng dài hạn do không gian nghệ thuật Manzi khởi xướng và giám tuyển với mục tiêu góp phần tăng cường nhận thức và sự trân trọng đối với nghệ thuật của công chúng, hỗ trợ nghệ sĩ phát triển cácthực hành độc lập đồng thời khuyến khích sự tham gia của họ vào tiến trình phát triển xã hội trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.
Into Thin Air mang nghệ thuật ra khỏi lãnh địa quen thuộc - bảo tàng, galleries, không gian nghệ thuật … ra không gian công cộng
Mỗi nghệ sĩ tham gia dự án được yêu cầu chọn một hoặc vài không gian công cộng trong thành phố, nơi có ý nghĩa với họ và cộng đồng, nơi tạo cảm hứng cho họ qua các yếu tố lịch sử, văn hoá, xã hội, để từ đó sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật cho chính không gian đó.
PHIM TÀI LIỆU INTO THIN AIR 1
Bản đầu tiên của Into thin air đã diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 9 đến 19 tháng 4 năm 2016 tại Hà Nội. 10 tác phẩm/dự án (sắp đặt tương tác, video art, sắp đặt âm thanh…) tại 10 địa điểm công cộng trong thành phố cùng 1 phần mềm ứng dụng cho điện thoại thông minh được dùng như bản đồ ‘truy lùng kho báu” cho phép công chúng “săn lùng” và truy tìm các tác phẩm
Tiếp nối bản 1, Into Thin Air bản 2 mà các bạn đang có trong tay này được Manzi phối hợp cùng ADT Creative thực hiện với cùng ý tưởng như bản 1 - gồm 10 tác phẩm đa dạng từ sắp đặt, trình diễn, âm thanh tới video art tại 10 không gian công cộng của Hà Nội.
Tuy nhiên, Into Thin Air lần này hoàn toàn khác về hình thức trải nghiệm tác phẩm. Tại các không gian công cộng đó, khán giả sẽ xem/tương tác được với các tác phẩm qua một ứng dụng trực tuyến miễn phí dù các tác phẩm không hiện hữu một cách vật lý tại địa điểm đó. Ứng dụng sử dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR) cho điện thoại thông minh và máy tính bảng này cũng sẽ giúp chỉ dẫn cho công chúng tìm được tác phẩm trong lòng Hà Nội.
Trải nghiệm Into Thin Air
Các nghệ sĩ tham gia
Nguyễn Huy An
Nguyễn Huy An sinh năm 1982 tại Hà Nội và tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam năm 2008. Được coi là một trong ‘những nghệ sĩ cá tính và mạnh mẽ nhất trong thế hệ của mình’, các tác phẩm của An gồm tranh, trình diễn, sắp đặt đều là quá trình cố gắng đào sâu vào những mảng tối của tâm thức. Anh được các curator và nhà phê bình nghệ thuật quốc tế đánh giá cao bởi sự tối giản về hình thức, mạnh mẽ về nội tâm, và giàu ý niệm trong các tác phẩm.
Jamie Maxtone-Graham
Jamie là nghệ sĩ nhiếp ảnh và nhà làm phim người Mỹ từng làm việc tại New York và Los Angeles. Từ năm 2007 anh nhận học bổng Fulbright và chuyển tới sống tại Hà Nội cùng vợ và con gái. Ngoài việc tiếp tục các thực hành đa dạng về ảnh, Jamie tổ chức và hướng dẫn các khoá học về hình ảnh động và đa phương tiện.
Vũ Ngọc Khải
Là biên đạo múa đương đại, Khải hoạt động nghệ thuật ở cả hai nơi, Việt Nam và châu Âu. Sau khi tốt nghiệp Trường múa Hà Nội, năm 2006, anh nhận được học bổng toàn phần của Tổng lãnh sự quán Hà Lan để theo học tại Học viện Múa Rotterdam Dance Academy - Hà Lan. Sau đó một năm, anh giành tiếp học bổng cho một khóa đào tạo đặc biệt về múa và biên đạo.
Huy Trần
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, Huy Trần bắt đầu sự nghiệp múa chuyên nghiệp từ rất sớm. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Múa Việt Nam năm 2006, anh làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam trước khi giành học bổng của Cinevox Junior Company - Thụy Sĩ và theo học tại đây cho tới năm 2011. Sau đó, anh chuyển sang qua Đức và đầu quân cho nhà hát Ballet Hagen và nhà hát quốc gia Mannheim. Hiện tại, anh làm việc tại nhà hát Pfalztheatre Kaiserslautern trong vai trò diễn viên múa và biên đạo múa.
Cao Thanh Lan
Là một nghệ sĩ đa tài, được đào tạo về piano cổ điển và đương đại ở Cologne Đức và Bruxelles, Bỉ, đã từng đạt được nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước (Giải nhì Concours Mùa thu, Giải vàng ở Hàn Quốc, và giải ba ở Rumani), tuy nhiên Cao Lan lại tìm thấy niềm đam mê đặc biệt với âm thanh và tiếng ồn.
Cô đã từng thử nghiệm với nhiều nhạc cụ điện tử khác nhau cho tới các vật dụng được phóng đại âm, và các nhạc cụ ít biết tới như đàn marxophone, daxophone, v.v…
Gregor Siedl
Sinh ra ở Viên, thủ đô nước Áo, Gregor hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc thể nghiệm và ngẫu hứng. Qua việc tìm tòi và khám phá cách sử dụng nhạc cụ kiểu mới, cách thay đổi cấu tạo âm thanh của những nhạc cụ quen thuộc như kèn saxophone, kèn clarinet, cũng như sử dụng nước và những ‘nhạc cụ’ đến nay chưa được dùng nhiều trong âm nhạc như sáo và lưỡi gà để nhử thú săn, anh đã tạo ra một tiếng nói rất riêng trong giới âm nhạc thể nghiệm.
Trí Minh
Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, Trí Minh cùng với một số nhạc sĩ trẻ khác bắt đầu chơi nhạc jazz tại Hà Nội, sau đó, anh bắt đầu khám phá vùng đất mới: nhạc điện tử. Qua âm sắc và sự sáng tạo không giới hạn của âm nhạc điện tử hiện đại, Trí Minh đã kết hợp để đưa không gian sáng tạo của nhạc điện tử Việt Nam vào những khung cảnh mới của âm nhạc hiện đại trên thế giới. Những phần trình diễn sáng tạo của anh, là những sự kết hợp đa chiều của các loại hình nghệ thuật, đem người nghe và xem chiêm ngưỡng những chiều khác nhau của âm thanh và ánh sáng thế kỷ 21
Maritta Nurmi
Nghệ sĩ người Phần Lan Maritta Nurmi hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Với trải nghiệm 25 năm tại Việt Nam - một đất nước phương Đông, hòa trộn cùng nền tảng giáo dục phương Tây của quê hương Phần Lan, với cả hai ngành khoa học tự nhiên và nghệ thuật thị giác, các thực hành hội họa của Maritta vì vậy mang một màu sắc đa văn hóa khác biệt, kỳ bí như những thử nghiệm luyện kim của giả kim thuật. Và cũng giống như một nhà giả kim, Maritta say mê tìm tòi nhiều thể loại và bộ môn nghệ thuật từ nghệ thuật gốm sứ, thời trang, đến nghệ thuật công cộng và các dự án cộng đồng. Các tác phẩm của cô được triển lãm rộng rãi ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ.
Hiện Maritta sống và làm việc tại cả Việt Nam và Phần Lan
Nhung Nguyễn
Nguyễn Hồng Nhung là một nghệ sĩ nhạc thể nghiệm và nghệ thuật âm thanh và là người đứng sau dự án solo Sound Awakener. Trong một vài năm gần đây, Nhung hoạt động trong làng nhạc underground tại Hà Nội và đồng thời hợp tác với các nghệ sĩ trong và ngoài nước trong các dự án nghệ thuật thị giác/đa phương tiện. Từ năm 2014, cô phát hành nhạc dưới tên dự án Sound Awakener và tên thật [Nhung Nguyen], với sự hỗ trợ từ các hãng đĩa độc lập như Time Released Sound (Mỹ), Unknown Tones Records (Mỹ) Soft Recording (Pháp), Flaming Pines (Anh), Syrphe (Đức)…Trong khi Sound Awakener tập trung vào các trải nghiệm âm thanh mang tính trừu tượng thì các tác phẩm được phát hành dưới cái tên Nhung Nguyen lại thiên về giai điệu nhiều hơn.
Christian Grothe
Christian Grothe là một nghệ sĩ nhạc điện tử và nhà sản xuất âm nhạc người Đức. Trong quá trình từng học tại Nhạc viện Osnabrück, anh đã dành mối quan tâm cho âm nhạc thể nghiệm và electroacoustic. Chính vì thế, anh đã bắt đầu tự sản xuất âm nhạc của mình dưới cái tên Kryshe. Anh sử dụng các nhạc cụ như piano, guitar, trumpet cùng âm thanh điện tử trong những buổi biểu diễn của mình. Ngoài Kryshe, Christian còn chơi trong tam tấu ambient Unland, nhóm Tabeah và bộ đôi Morphield.
Nguyễn Oanh Phi Phi
Sinh năm 1979 tại Houston (Mỹ), Phi Phi Oanh tốt nghiệp cử nhân Mỹ thuật, trường Parsons School of Design (2002) và thạc sĩ Mỹ thuật và Nghiên cứu, Đại học Madrid Complutense (2012). Năm 2004, cô nhận học bổng Fullbright tới Hà Nội nghiên cứu và học về sơn mài. Từ đó tới nay, sơn mài trở thành trọng tâm thực hành nghệ thuật của Phi Phi. Đối với cô, sơn mài đươc sử dụng như chất liệu của hội hoạ, để truyền tải ký ức hay tư duy, để trải nghiệm các lý thuyết hiện hành về hình ảnh, và mở rộng tới các phương thức thử nghiệm và qui mô mới.