...undone...
-
October 31, 2017
October 6, 2017
Nguyễn Trần Nam
'Undone' - được lấy từ tiếng Anh, chỉ trạng thái đã bắt đầu một việc và chưa kết thúc/ hoặc sẽ không kết thúc; chỉ cảm xúc không toại nguyện; chỉ nguyên do của sự huỷ hoại ...
Thuộc thế hệ nghệ sĩ đương đại thứ hai của Hà Nội, kể từ khi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Việt Nam vào 2003, Nguyễn Trần Nam đã thực hành nghệ thuật với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau. Trong triển lãm này, Nam trở lại với hội hoạ, và chọn sơn mài làm chất liệu chính. Tuy vẫn cùng không khí với các tác phẩm trước đó - vẫn u ám và nặng nề, vẫn đôi lúc khôi hài và giễu nhại, series tranh sơn mài của Nam đẹp, dữ dội, ẩn chứa những hoài nghi và suy đoán về sự sống và cái chết, những ám ảnh về sự huỷ hoại, mục ruỗng của cảnh quan.
Tạo dựng một thế giới giả tưởng, không gò bó bởi bất kì sự thật, không gian hay thời gian nào, ‘Undone’ là những cuộc truy đuổi, những cuộc xô xát, những gương mặt giập nát úp xuống lòng đường, bóng một ai đó vừa lướt qua khoảng tối phía bên kia khung cửa - những hình ảnh trôi qua không có nguyên nhân, không đầu cuối, không giải thích... "Chúng ta hồ nghi suy đoán về khoảnh khắc bất an tương tự đã xảy ra trong quá khứ và chợt nhận ra rằng thời khắc đó chưa bao giờ kết thúc và chúng ta đang bị mắc kẹt trong đó mãi mãi”.
Với Nam, vẽ tranh giống như một hành vi ghi chép nhật ký, nơi anh có thể - một cách vô thức - ghi lại những mơ hồ trôi nổi trong tâm trí mình - từ những câu chuyện, tình huống, nhân vật trong đời sống đến những ẩn dụ triết học, sự phi lý, nỗi ám ảnh trong văn học, thơ ca hay huyền sử - cho dù vô tình đọng lại hay được cố gắng ghi nhớ - chúng trộn lẫn và tan biến vào nhau, trở thành một sự hỗn độn không tên, không khởi đầu hay kết thúc.
‘...Undone...’ thuộc chương trình nghệ thuật của Manzi với sự hỗ trợ của Quỹ CDEF, Đan Mạch
CÁC TÁC PHẨM
ẢNH TRIỂN LÃM
TRÍCH DẪN CỦA NGHỆ SĨ
Lời cây búa
Zarathustra đã nói như thế,
Những bảng giá trị cũ và mới, 29
Friedrick Nietzsche
“Tại sao quá cứng rắn!” – than trong bếp một hôm hỏi kim cương: chúng ta chẳng phải là bà con họ hàng gần với nhau sao?”
“Tại sao các anh quá mềm? Hỡi các anh, ta cũng xin hỏi các anh như thế: các anh – chẳng phải là anh em với ta sao?
Sao quá mềm, quá nhu nhược và dễ khuất phục làm vậy? Sao quá nhiều khước từ và chối bỏ trong tâm các anh? Sao quá ít định mệnh trong ánh mắt các anh nhìn?
Và nếu các anh không muốn là những định mệnh, những kẻ khốc liệt: làm sao một ngày kia các anh có thể cùng ta – chiến thắng?
Và nếu sự cứng rắn của các anh không muốn lóe sáng và cắt. cứa: làm sao một ngày kia các anh có thể cùng ta – sáng tạo?
Bởi những kẻ sáng tạo đều cứng rắn. Và in bàn tay lên muôn ngàn năm như lên sáp ong mềm dường như phải là diễm phúc của các anh.
- Diễm phúc viết lên ý chí của muôn ngàn năm như trên đồng thau, - cứng rắn hơn đồng thau, cao nhã hơn đồng thau. Duy kẻ cứng rắn nhất mới là kẻ cao nhã nhất.
Tấm bảng mới mẻ này, hỡi anh em, ta xin đặt trên đầu các anh: Hãy trở nên cứng rắn!