top of page

Xuyên

-
July 5, 2019
June 7, 2019
Bảo Vương

'Xuyên' - Một chuyến đi về quá khứ (?), một hải trình không định vị


'Xuyên' của Bảo Vương tại Manzi lần này gồm loạt tranh mới sáng tác và một tác phẩm trình diễn kéo dài 5 ngày.

Sinh tại Việt Nam vào cuối thập niên 70, khi chưa đầy 1 tuổi, cùng cha mẹ, Bảo Vương rời Việt Nam trên một con thuyền vượt Thái Bình Dương.


Loạt tranh sơn dầu trong 'Xuyên' phản chiếu lại những đêm dài trên biển khơi mà gia đình Bảo đã trải qua, những đêm dài mà hàng vạn người tị nạn, từ khắp nơi trên thế giới, từng trải qua, trong suốt bao thế kỷ, cho tới tận ngày nay. Họ bị bỏ mặc trong bóng đêm, không biết được điều gì sẽ xảy ra.
Và bóng tối lấy đi những cái chết cận kề, rồi nuốt chửng toàn bộ những kẻ đã không còn gì để mất. Trong series này của Bảo, khi màu đen gợi lên nỗi sợ lưu vong thì sự phản chiếu của ánh sáng trên nét cọ lại gợi lên hy vọng, cho bản năng sinh tồn và mang lời hứa về một thực tại tốt đẹp hơn.


Tác phẩm trình diễn mang tên gọi 'Nước' của Bảo Vương trong triển lãm được bắt đầu vào ngày đầu tiên của triển lãm và kết thúc sau 4 đêm. Gần 5 ngày cô lập, không đồ ăn thức uống, trừ nước lấy từ những cơn mưa (nếu có). Đây là một lời khẩn cầu, một cú thử tột cùng, để nhớ lại, để tiếp cận với ký ức về cha mẹ anh, về hai trăm người khác trên cùng một con thuyền, về sự chịu đựng của di dân mọi thời đại. Với Bảo Vương, đây là một việc làm tuy cực đoan, nhưng lại rất cần thiết, để thấu hiểu, để sống lại, để nhận ra, và để sáng tạo.

CÁC TÁC PHẨM
​ẢNH TRIỂN LÃM

"Vô tận là màn đêm thống trị chúng tôi. Nó đè nặng con tim khi bóng đổ thật dài vào đêm tối. 

Thật không dễ khi thừa hưởng một cội nguồn Việt Nam."

***


1. “Xuyên VII”


Tôi tự hỏi, phải hồi nhớ lại bi kịch trong bao lâu nữa

 mới có thể xua đuổi được nó đi?


Các tác phẩm của Bảo Vương trong series “Xuyên” mang màu đen. Chúng vừa thực tế vừa trừu tượng. Sợi dây dẫn xuyên suốt series này là hình ảnh phản chiếu cơn chấn thương, của những đêm trên biển khơi cùng gia đình anh trong cuộc di dân.


Trong “Xuyên VII”,  bầu trời đen vô tận nối liền với sự bao la của biển cả. Kẻ đắm tàu thấy mình vô cùng lạc lõng và nhỏ bé trước một cảnh tượng như thế, gã như đắm chìm trong cảm giác cô đơn không nói nổi thành lời.


2. Series 4 tác phẩm “Xuyên XIII” – “Đêm 1 – 4”


“Xuyên XIII – Đêm” kể lại chuyến đi ám ảnh của người nghệ sĩ.

4 bức tranh, 4 đêm trên biển. Kết cấu bề mặt của cả 4 tác phẩm, lúc sánh đặc, lúc lại thô và khô cứng. Những cơn sóng này đóng băng như một vết sẹo không chịu lành.


3. Xuyên XII


--- Vào một ngày, cuộc vượt biển diễn ra. Một con thuyền xuyên biển, hòng trốn chạy điều không thể nói. Đối với những người đang bỏ đi, chẳng ngôn từ nào có thể diễn tả được, chỉ một vết thương sâu: là việc phải rời bỏ mọi thứ ; là việc phải đối diện với vô vàn mối đe dọa đối với mạng sống của họ. 

Biển cả là một cửa ải không thể vượt qua, là nơi tăm tối mà người chết cứ thế ra đi, chẳng cần đến mộ phần, và là một vực thẳm của những hồn ma.


Tương tự như các tác phẩm khác trong series “Xuyên”, tác phẩm này cũng sử dụng sơn dầu đen và hoàn thiện bằng bay. Tuy nhiên, ở đây, biển êm ả hơn và sóng trông tựa những con thuyền: hàng nghìn con sóng, hàng nghìn con thuyền và hàng nghìn linh hồn vô định. Những cơn “sóng thuyền” ấy đang đi tới một giấc mơ vô định, nhưng là lời hứa về một cuộc sống mới.

Mỗi cơn “sóng thuyền” được tạo ra bởi một nét bay, nhanh và mạnh - như quyết định rời khỏi chốn quê hương, quả quyết và dứt khoát, tựa như một lưỡi dao găm vào tim.


4. “Vô đề”


--- Tôi tự hỏi phải đùa giỡn với tử thần bao lâu nữa thì mới học được cách sống,  cách thở một cách bình thường.


Một bức vẽ chì trên giấy điển hình, bao gồm biển cả, một vùng đất phía chân trời và bầu trời. Ở giữa tranh có một lỗ nhỏ, có thể nhìn xuyên qua được.

Bức vẽ được đặt giữa hai tấm kính mỏng, trong suốt, cố định với nhau bằng băng dính màu đen và được treo lơ lửng trên trần nhà bằng dây cước.

Chỉ cần một luồng gió nhẹ hoặc cử động người xem,tác phẩm sẽ di chuyển. Tác phẩm mong manh này dường như sẽ rơi vỡ, và chính điều đó tạo cảm giác không thoải mái cho người xem.

Bao con thuyền đã đắm chìm trong sự dữ dội của dòng nước và 

bao nhiêu người không bao giờ về đến đích…


5. Trình diễn “Nước

5 ngày – 4 đêm từ 19h 7/6/2019 -> 18h30 11/6/2019


Tác phẩm trình diễn mang tên gọi 'Nước' của Bảo Vương trong triển lãm lần này sẽ bắt đầu vào ngày đầu tiên của triển lãm và kết thúc sau 4 đêm. Gần 5 ngày cô lập, không đồ ăn thức uống, trừ nước lấy từ những cơn mưa (nếu có). Đây là một lời khẩn cầu, một cú thử tột cùng, để nhớ lại, để tiếp cận với ký ức về cha mẹ anh, về hai trăm người khác trên cùng một con thuyền, về sự chịu đựng của di dân mọi thời đại. Với Bảo Vương, đây là một việc làm tuy cực đoan, nhưng lại rất cần thiết, để thấu hiểu, để sống lại, để nhận ra, và để sáng tạo.


Tôi hỏi mẹ, bà đã nghĩ gì khi ở trên thuyền lúc đó.

Bà nói bà không sợ, cũng không buồn.

Bà không nghĩ được về cái gì cả. Bà chỉ khát thôi.

Từ tôi biết nói, tiếng đầu tiên, được cất lên ở trên thuyền

Từ đó là

“nước”.

Bởi khóe mắt họ đã không rơi lệ, bởi trái tim họ đã không bỏ cuộc, bởi họ đã trốn thoát được, tôi phải mang số phận của họ trong mình


"Với tư cách là một nhân chứng, một kẻ buôn ký ức, và một nghệ sĩ, tôi nói cho những người không nói được, những người không tiếng nói, để nói về những gì đang vùi sâu cùng họ. Cũng như các tiểu thuyết gia, đạo diễn hay nhà diễn thuyết, tôi dùng nghệ thuật thị giác để kể câu chuyện của tôi, của gia đình tôi, của ngàn kiếp người.


Những câu chuyện đó không bao giờ là cũ. Tôi muốn nhắc đến một thống kê, thậm chí còn bi thương và đau lòng hơn, về di dân trên toàn thế giới. Kể từ năm 2014, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã ghi nhận 17,000 người chết và mất tích trên Địa Trung Hải, trong đó chỉ có 5773 thi thể được tìm thấy. 


Các vấn đề về biên giới và lưu vong sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai gần, cùng với hiện tượng nóng lên toàn cầu - là sự di cư của hàng ngàn, thậm chí hàng triệu những người bị thiếu đất sống, do bị nước biển xâm lấn.


Tác phẩm trình diễn này, với tôi cũng là khoảnh khắc của sự tĩnh tâm, được thoát khỏi hiện thực đời thường – thứ mà tôi thấy chẳng khác gì một cái kén, một mớ bòng bong. Tôi sẽ chỉ vẽ toàn những nét (ít hay nhiều) thẳng như một cách thiền định trong nghệ thuật. Một tiếng “Ohm” hữu hình trong sự im lặng.

Tác phẩm này cũng là lời cam kết của tôi với hệ sinh thái.  Chúng ta đang sống trong xã hội của sự tiêu thụ thừa thãi, và việc ta có gì đang được tôn vinh nhiều hơn việc ta thực chất là ai. Sự tiêu thụ quá mức đã trở thành một nghĩa vụ, và rồi cuối cùng biến thành nỗi bất mãn không dứt.


Với hành vi trong tác phẩm này, một hành vi ‘không làm gì cả’, tôi muốn nói rằng : Ta có thể sống mà không có gì cả -  là hoàn toàn khả thi’.

Bảo Vương (Hà Nội, tháng 6.2019)

ĐÊM KHAI MẠC

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page