Bên kia những ngọn đồi
-
October 2, 2017
September 8, 2017
Lê Hoàng Bích Phượng
Trở lại với tranh lụa sau một thời gian thực hành trên chất liệu gốm, triển lãm cá nhân 'Bên kia những ngọn đồi' của Phượng bao gồm một loạt tranh lụa và tác phẩm sắp đặt với hình thức tối giản, như một phần nhật ký tâm lý bằng hình của cô, là trải nghiệm cá nhân của cô về sự mất mát, về nhận thức bản ngã, về sự sống và cái chết.
---
Bài viết cho triển lãm của Fabiola Büchele
“Ông trút hơi thở cuối cùng và ra đi. Tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra – Ông đã bao giờ nghĩ về điều ông muốn làm cho chính ông trong cuộc đời này chưa? Hay chỉ là việc nuôi con và kiếm tiền cho gia đình? Tại thời điểm đó – khi mọi người đang ngồi cùng nhau – tôi thấy một khung cảnh này, một vầng trăng tròn, bên trên cánh rừng.”
(thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2017, Lê Hoàng Bích Phượng nói về thời khắc ông ngoại cô qua đời một tháng trước)
Những quang cảnh trong mơ hiện ra với Phượng khi ông cô qua đời là chủ thể cho những tác phẩm lụa tinh tế trong triển lãm “Bên kia những ngọn đồi” – một series đậm tính cá nhân, bắt nguồn từ gốc Phật Giáo của cô.
Trong khi những tác phẩm thời kỳ đầu là những cơn ác mộng trong tiềm thức của Phượng, loạt tranh mới này của cô lại mang một tinh thần tươi sáng hơn, đối diện với câu hỏi về quyền năng của trí tưởng tượng, để tạo ra cái tôi, không gian và ý nghĩa - ở nơi đâu tôi là chính mình? Với sự ra đi của ông cô: con người đạt đến điều gì trước và sau cái chết ấy? họ cảm nhận gì? Và những cảm xúc ấy kéo dài trong bao lâu?
Điều mà Lê Hoàng Bích Phượng cố gắng thấu hiểu và đưa vào tác phẩm của cô là các ý niệm về thời gian và không gian một cách tự nhiên, không chứa đựng (khoảnh khắc hiện tại) và không thể với tới được (đường chân trời). Phượng cho rằng đường chân trời mà cô vẽ là “một đường thẳng, một bề mặt, và cũng có thể là một không gian, nơi tồn tại bình yên tâm trí”. Và tương tự như vậy, với khoảnh khắc hiện giờ, “ở đây có thể là ngày mai, có thể là hôm qua và cũng có thể là hiện tại, không thuộc vào đâu.”
Đường chân trời đặc biệt của Phượng được vẽ với hình khối đơn giản, màu sắc và đường nét trong trẻo theo những gì cô tưởng tượng, là đích đến của tâm trí. Và dù nơi này được coi là không gian để tâm trí và bản ngã nghỉ ngơi, Phượng cũng nhận thấy sự bình an tâm trí ấy bị phá vỡ một cách nhẹ nhàng nhưng rõ rệt – màu tím mềm mại (tinh thần) của không gian hoàn hảo của cô bị chuyển thành màu đỏ (giận dữ), các tam giác mơ hồ chuyển những ngọn đồi thành những mũi gai nhọn xuyên qua mặt trăng và một thế giới ngầm kỳ cụ đang ăn mòn nền phong cảnh tinh khôi tuyệt đẹp.
Hiện diện trong tác phẩm của Phượng còn có lời răn của Phật rằng đau khổ là một phần của cuộc sống và phấn đấu đạt được giác ngộ là sự tìm tới việc giải phóng khỏi đau khổ - “Làm sao để chúng ta chấp nhận cái chết, sự luân hồi và cõi niết bàn? Ta chấp nhận rằng ta phải tiếp tục sống. Một kiếp này rồi kiếp khác, và việc chấp nhận đó của ta sẽ giúp đạt được sự an bình của tâm trí.”
(Lê Hoàng Bích Phượng, thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2017)
Lê Hoàng Bích Phượng trở lại với tranh lụa sau một thời gian thực hành chất liệu gốm vì cô nhận ra rằng vẽ là một cách thiền định. Phượng vẽ một cách chậm rãi và bình thản, cô vẽ trong những khoảnh khắc giận dữ của mình để thấy được cảm xúc chuyển hóa ra sao. Như tác phẩm tự họa trong series này, một tác phẩm bắt nguồn từ việc cô bị đẩy ra khỏi không gian riêng tư của mình. Nhưng trong tranh, những cảm xúc này tan biến, để bước vào chu kỳ tiếp theo của yên bình.
“Khi cảm xúc thanh đổi, cái kế hoạch mà tôi từng có – một bức vẽ đầy tức giận, đúng ra phải xấu xí lại trở nên xinh đẹp và dịu dàng. Đôi lúc tôi dừng lại ở đấy. Liệu có thể nào đóng băng một khoảnh khắc khi hội họa là thứ khiến nó tan biến?”
“Bên kia những ngọn đồi” là một triển lãm mang đậm tính cá nhân trong chủ đề lẫn phương thức thực hiện bởi một người nghệ sĩ sẵn sàng lắng nghe trực giác của mình tạo nên.
---
*"Bên kia những ngọn đồi" thuộc chương trình nghệ thuật của Manzi với sự hỗ trợ của Quỹ CDEF, Đan Mạch.
CÁC TÁC PHẨM
ẢNH TRIỂN LÃM
LÊ HOÀNG BÍCH PHƯỢNG NÓI VỀ 'BÊN KIA NHỮNG NGỌN ĐỒI'
“Bên kia những ngọn đồi” là một ghi chép các trải nghiệm cá nhân của tôi về những sự kiện gần đây. Những trải nghiệm về sự mất mát, những khoảnh khắc nhanh như tia chớp, về sự sống, cái chết và những điều còn đọng lại. Những tác phẩm này là một phần nhật ký tâm lý bằng hình trong quá trình
thực hiện triển lãm.
Là trải nghiệm phản kháng mãnh liệt của phần lõi cá nhân, khi bất chợt có một cá thể khác xâm nhập vào thế giới của riêng mình. Nó rõ ràng đến mức, một hơi thở của kẻ xâm nhập cũng đủ để sự khó chịu trong tôi tăng lên bội phần.
Là khi người thân tôi ra đi, tôi im lìm và trôi vào trong những giấc mơ, trong giấc mơ ấy - những ngọn đồi, mặt trăng, những lớp cỏ liên tục xuất hiện.
Với các tác phẩm trong lần triển lãm này, tôi thể hiện tất cả những khái niệm, trải nghiệm đã qua bằng những bề mặt, hình khối xuất hiện trước mắt/trong những giấc mơ. Tôi nghĩ đến những hình thái bền vững mang năng lượng vĩ đại như thái dương hệ, chúng đều có bầu khí quyển, sự chuyển động quỹ đạo quanh tâm, vạch ra những vành đai như những giới hạn. Tôi tin rằng những con số hay tỷ lệ của các vành đai ấy đều mang nguồn năng lượng bảo bọc cho một trung tâm, cho một cốt lõi. Nếu một cá thể, tự ví mình là một trung tâm của vũ trụ, của hệ mặt trời hay chính trái đất này, mỗi hình thái vũ trụ cá nhân khi ấy, sẽ có những tỷ lệ, những quỹ đạo hấp dẫn riêng. Giống như Mandala.
Mandala là một mô hình vũ trụ thu nhỏ trong quan niệm của nhiều nền văn hoá. Những vành đai bao quanh của cá nhân ấy, vừa có thể là những lực hút gọi mời những vật thể khác đến tâm lõi, vừa là những ranh giới để một kẻ xâm nhập bắt đầu hành trình của họ vào thế giới vật chất hay nội tâm của cá thể này. Những phản ứng gọi mời hay phản kháng loại trừ, những thay đổi trong thái độ hay cảm xúc của chủ sở hữu đều phụ thuộc khá rõ vào mức độ xâm nhập ấy.
Giống như khái niệm “không gian cá nhân trong không gian công cộng”, sự co giãn của kết giới hình cầu đó sẽ chấp nhận sự xâm nhập ở một giới hạn nhất định trước khi quyết định đốt cháy nó như các tầng khí quyển mãnh liệt gây ra các vệt sao băng.
Mỗi cá thể là một vũ trụ, ta cần phải khám phá chính vũ trụ vĩ đại của mình, và những vành đai bảo vệ cũng sẽ rõ ràng khi bạn xác định được cái tôi mãnh liệt của mình trước những vũ trụ khác.
Suy cho cùng, để xâm nhập vào cái lõi của một cá thể, bạn cần phải vượt qua rất nhiều vành đai nhân cách, như bóc tách từng lớp vỏ, và để rồi nhận ra, chúng đều là những lớp tro bụi, áp dụng lên tất cả các hình thái trong vũ trụ này.
Về tác phẩm sắp đặt 'NHỮNG KẺ XÂM CHIẾM'
Tác phẩm mô phỏng một vũ trụ cá nhân với các vành đai xoay xung quanh tâm lõi.Các giới hạn được xác định trên cùng một mặt phẳng, phản chiếu các lớp vỏ bao phủ tâm lõi. Một không gian cá nhân hình thành như một hệ mặt trời, có các vành đai trong (inner) và vành đai ngoài (outer), kích thước của chúng phụ thuộc vào mỗi một cá thể vũ trụ khác nhau, gói gọn trong không gian triển lãm này hay vượt qua các bức tường là do mỗi cá nhân quyết định. Và với bất cứ sự xâm nhập nào vào vòng tròn không gian cá nhân đầu tiên cũng đều được cảm nhận và cảnh báo đến lõi trung tâm.
Ở một chiều không gian khác, tôi lựa chọn hình ảnh của đường chân trời, ranh giới của trời và đất, không thuộc về trời hay đất, nó là “hôm nay”, ở giữa “hôm qua” và “ngày mai”, phản chiếu và cảm nhận trung thực tất cả sự xâm nhập, và phản chiếu trung thực tất cả những đặc tính cá nhân xoay xung quanh nó mà không phải bị phụ thuộc vào bất cứ khái niệm quá thiên lệch đến từ ngày hay đêm.
Đường kẻ-chân trời hay gọi là đoạn lưng chừng bằng phẳng mà tại nơi đó tôi tìm thấy cho mình một nơi chốn thích hợp không bắt buộc có sự lựa chọn.Tại nơi đó tôi cảm nhận được 2 chừng thế giới mà không phải phụ thuộc vào nơi nào.Tại nơi đó, là giấc mơ của tôi về ông ngoại, nơi tôi thấy đường chân trời, tôi đã đứng trên nó và hứa sẽ lưu lại hình ảnh mình thấy vào những bức tranh.
MANDALA
Mandala trong tác phẩm của tôi được thu hẹp phạm vi hơn tuy vẫn dựa trên những cảm hứng liên kết với từ sơ đồ nhân cách của Jung, hình đồ Mạn-đà-la trong phật giáo và cấu trúc thái dương hệ. Có những tương đồng trùng hợp thú vị giữa những cảm hứng về mặt khoa học, tâm linh và tâm lí con người. Nhưng Mạn-đà-la của tôi sẽ chỉ nói về một mê cung trong tâm trí, nó có thể vừa là một nơi an lạc và tĩnh tại đồng thời cũng có thể là một căn phòng với nhiều lối đi, phương hướng mà tôi có thể tự nhốt mình lại, khoá mìnhtrong căn phòng của tâm trí đó.
Trong mô hình này, tôi ví cái lõi cá nhân trở thành tâm hành tinh và được bao bọc bởi các lớp vỏ, vô hình nhưng có đầy năng lượng, lan toả ra xung quanh, che chở, bảo vệ, phản kháng, và che phủ (cloud) bản chất thật sự của cốt lõi cần được khám phá.
Nói về không gian, đó là tôi có thể là tôi, chính xác như DNA miêu tả. Về thời gian, tôi nhận ra rằng bản thân mình nắm giữ chìa khoá đến được với hạnh phúc ở trung tâm của từng tế bào trong cơ thể mình.