top of page

Tiếng hót

-
December 17, 2023
October 20, 2023
Trần Trung Tín

Manzi cùng Blue Space Gallery xin trân trọng giới thiệu một triển lãm đặc biệt của Trần Trung Tín với tên gọi ‘Tiếng hót’ nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông.


Khai mạc: 18h00 thứ Sáu ngày 20 tháng 10 năm 2023

Trưng bày: 11.00 - 19.00 (thứ Ba - Chủ Nhật) từ 21 tháng 10 đến 17 tháng 12 năm 2023

Manzi Exhibition Space, 2 ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội

Vào cửa tự do.


Trần Trung Tín (1933 - 2008) - một con người tài hoa với cuộc đời lạ lùng, đến với hội họa bởi những xô đẩy từ nỗi thất vọng và bi kịch lý tưởng, giữa tình cảnh bế tắc không thể cất lời - ông bắt đầu vẽ. Cú bẻ ngoặt của số phận ấy đã gắn hội họa vào gần cả cuộc đời của Trần Trung Tín và cũng khiến ông trở thành một thứ ánh sáng dị thường bậc nhất của hội họa Việt Nam


Vẽ để được cứu rỗi, được trải lòng

Vẽ để tránh câm lặng và bỏ cuộc

Vẽ để tìm thấy mình, giữ lấy mình

"Vẽ để vượt lên thời khủng khiếp mà tất cả chúng tôi đang sống" (Tự Huy)


Có lẽ từ hoang mang và thất vọng, một sức mạnh mới đã bừng nở; Có lẽ khi điều gì đó đang sụp đổ, một điều gì khác nữa cũng được xây lên, dẫu trong đơn độc và tĩnh lặng nhưng thuần khiết và chân thật đến tận cùng.


Gồm loạt tác phẩm trừu tượng và phỏng thực (figurative) trên giấy báo và giấy ảnh, ‘Tiếng hót’ là triển lãm cá nhân thứ hai của Trần Trung Tín tại Hà Nội (sau triển lãm đầu tiên ‘Bi kịch lạc quan’ cách đây đúng 10 năm). Đây gần giống một sự trở về Hà Nội - một thành phố ông đã "hơn một lần thương yêu" (lời của Trần Trung Tín trong bức điện tín gửi Xưởng phim truyện Việt Nam 1975), bởi hầu hết các tác phẩm trưng bày lần này đều được sáng tác trong khoảng thời gian 1969 - 1973 khi ông quyết bám trụ lại thành phố (thay vì đi sơ tán, bất chấp những oanh tạc ác liệt của thời chiến).

CÁC TÁC PHẨM
​ẢNH TRIỂN LÃM

____________


Đây cũng là lần đầu, loạt tranh trừu tượng đầy tính thể nghiệm của Trần Trung Tín được giới thiệu tới người xem Hà Nội. Loạt tranh này thuộc giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông, ra đời bên ngọn đèn dầu, trong tầng hầm căn nhà cổ, giữa những đợt mưa bom bão đạn. Trần Trung Tín, người chưa từng học qua bất kỳ trường lớp đào tạo mỹ thuật nào, dường như đã đi xa hơn thế hệ của mình, đã tìm ra được “một ngôn ngữ thị giác riêng hết sức độc đáo, tự do về hình thức biểu đạt, tinh tế trong sáng tạo màu sắc… Chủ nghĩa biểu hiện mạnh mẽ của Tín là cấp tiến so với hội họa Việt Nam những năm 1960 và 1970, vốn kết hợp phong cách cổ điển Pháp với hiện thực chủ nghĩa Xô viết” (trích lời Sherry Buchanan, tác giả cuốn sách 'Tran Trung Tin: Paintings and Poems from Vietnam' - Trần Trung Tín: Tranh và thơ từ Việt Nam)


Khác với loạt tranh phỏng thực (figurative) trên giấy báo đã gây tiếng vang lớn và khiến tên tuổi Trần Trung Tín vụt sáng, trong đó những hình tượng cụ thể, giàu ẩn dụ (thiếu nữ, súng, hoa, con chim, ... ) kể lại một hiện thực bị kiềm tỏa và những chấn thương tâm lý thời hậu chiến; loạt tranh trừu tượng của Trần Trung Tín trong thập niên 70 dường như có một tinh thần ấm áp và phong phú hơn. Trong cái thê thảm của chiến tranh, với sự mạnh mẽ về màu sắc và tự do trong đường nét, tranh của Tín vẫn sáng rỡ lên những lạc quan và trong sáng đến lạ kỳ, như thể đang cấu thành một nơi trú ẩn tinh thần, ‘một thánh đường thị giác tự tạo’ của chính ông.


Ngoài các tác phẩm trừu tượng, triển lãm lần này cũng giới thiệu loạt tranh phỏng thực được Trần Trung Tín sáng tác trong quãng thời gian 1972-1975 tại Hà Nội. Ở đây, với những ‘Em Hà Nội’, ‘Con mèo của tôi’, ‘Vệ nữ Cam’, ‘Đình Hà Nội’... màu và nét được sử dụng một cách hoàn toàn nguyên sơ (một thứ “màu trời cho” - nhận xét của Bùi Xuân Phái về Trần Trung Tín), ông đã kể lại nỗi buồn và sự cô đơn một cách thật dịu dàng.


Hơn nửa thế kỷ trước, có một tiếng hót đã cất lên, một tiếng hót cô đơn từng rơi vào câm lặng, nhưng lại là những trang nhật ký ghi chép chân thực nhất, bởi vậy mang một sức mạnh rung cảm khó cưỡng. Trần Trung Tín, cuộc đời ông, nghệ thuật của ông đã dũng cảm ôm lấy, níu lại những gì người ta đã buộc phải bỏ rơi để thích nghi với thời cuộc. Con chim lạ, lạc miền, lạc thời, giờ đây vẫn cất lời, để “Chân lý không bị hành hình / Cái đẹp không bị vùi chôn…” (*) trao tiếng nói và đưa lại ký ức cho những gì từng bị chối từ, bị xóa bỏ bởi chiến tranh và xoay vần của lịch sử.

_____


(*) Hai câu trích một bài thơ của Trần Trung Tín viết năm 1964:


Trái tim tôi không phải quả táo Tàu

Không thể dùng dao cắt chia ba phần to nhỏ

“Cho em phần ít, cho thơ cho Đảng phần nhiều...”

Với những gì tôi yêu

Tôi cho tất cả!

......

Trái tim tôi như cái sân bay

Chỉ vui

Khi những niềm vui cất cánh

Chân lý không bị hành hình

Cái đẹp không bị vùi chôn...

Trái tim tôi buồn

Ai xui

Nắng quái chiều hôm.


=================


TRẦN TRUNG TÍN (1933 - 2008), quê ở Bến Tre, tham gia chiến khu chống Pháp khi mới 12 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra Hà Nội và được tuyển thẳng vào trường Điện ảnh Việt Nam khóa đầu tiên, trở thành diễn viên, phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam, và phó đạo diễn điện ảnh. Năm 1969 ông bắt đầu vẽ. Năm 1975, ông chuyển về sinh sống tại tp. Hồ Chí Minh.


Trần Trung Tín có triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore vào năm 2001. Ông cũng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên được mời tham dự triển lãm tại Bảo tàng Anh Quốc tại London năm 2002, sau đó là năm 2007. Ngoài ra, tác phẩm của ông còn tham gia nhiều triển lãm quốc tế tại Mỹ, Pháp, Anh, Thái Lan, Singapore, Nhật... và thuộc về nhiều bộ sưu tập lớn. Năm 2013, 5 năm sau ngày mất, vợ của ông - bà Trần Thị Huỳnh Nga đã tổ chức một triển lãm cá nhân cho ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


= = = = = =


BLUE SPACE GALLERY (Trung tâm Nghệ thuật đương đại Không gian Xanh) được sáng lập bởi bà Trần Thị Huỳnh Nga vào năm 1996; ban đầu hoạt động trong hình thức hợp tác với Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 1997, được Quỹ Ford chính thức tài trợ, ‘Không Gian Xanh’ liên tục thúc đẩy những thực hành thử nghiệm qua việc tổ chức triển lãm hàng tháng cho nghệ sĩ trẻ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ Bắc vào Nam và cả quốc tế. Không ít người trong số họ ngày nay được công nhận trong cả bối cảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế, bao gồm: Jun Nguyen Hatsushiba, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Lê Thừa Tiến, Mai Anh Dũng, Bùi Công Khánh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Sơn, Nguyễn Thái Tuấn, Bùi Hải Sơn …


‘Không gian Xanh’ còn mở rộng trao đổi quốc tế thông qua các hoạt động hội thảo, workshop và trại sáng tác về nghệ thuật trình diễn, sắp đặt.

Năm 2007, vì lý do sức khỏe, bà Nga tạm ngưng các hoạt động trại sáng tác và thử nghiệm của ‘Không Gian Xanh’.

ĐÊM KHAI MẠC

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page