top of page

Đây là ngày... Thời gian lặp lại?

-
September 26, 2020
September 3, 2020
Nguyễn Huy An
Võ Trân Châu
Phan Thảo Nguyên
Trương Công Tùng
Nguyễn Trinh Thi

‘Đây là ngày …thời gian lặp lại?’ – một triển lãm của 5 nghệ sĩ đương đại Việt Nam: Võ Trân Châu, Nguyễn Huy An, Phan Thảo Nguyên, Nguyễn Trinh Thi và Trương Công Tùng.



Như tên gọi, chủ đề xuyên suốt của cả triển lãm là THỜI GIAN bởi mọi tác phẩm trong triển lãm này đều là những cách ‘đo’, ‘tìm’, ‘tạo lập’, ‘thu thập’ thời gian/lịch sử và ký ức khác nhau của các nghệ sĩ, dù vô tình hay có chủ ý, từ việc tạo dựng một cách kể mới, một cái nhìn đa chiều về những bi kịch con người qua tác phẩm sắp đặt mang tính phù du ‘Tơ giáp hạt’ của Phan Thảo Nguyên tới quá trình dệt lại ký ức – một nỗ lực nhằm tiếp cận các phần lịch sử còn mơ hồ với loạt tranh thêu và cắt ghép mosaic của Võ Trân Châu;

Thời gian cũng hiện diện trong tác phẩm 'Bài tập số 2' của Nguyễn Huy An như một vế của phương trình toán học - thể hiện mối tương quan giữa bóng của một tượng đài và mặt trời vào các thời điểm khác nhau trong ngày mà anh đề nghị người xem lập để chiêm nghiệm sự tương tác giữa tự nhiên và phi tự nhiên, và bằng cách đó, trao họ cơ hội suy ngẫm về con người, xã hội và thiên nhiên.

Ở loạt tranh ‘Khi thời gian trôi qua những cái bóng (1 2 3 4 ...)’ của Trương Công Tùng, thời gian, ánh sáng, bóng tối lại được dùng làm chất liệu. Với series tác phẩm khá mạnh về mặt thị giác này, Tùng đã thiết lập một lớp trần thuật mạch lạc về thời gian nhưng lại ngầm gây bối rối với những hình ảnh, thông tin đan xen giữa sự thật và hư cấu.

Tác phẩm ‘Mười một người đàn ông’ của Nguyễn Trinh Thi có lẽ là tác phẩm duy nhất trong triển lãm không chủ ý làm về lịch sử hay một tuyến tính thời gian cố định nào, nhưng Thi lại sử dụng các phim ít nhiều theo thứ tự thời gian, và vì vậy, một cách tự nhiên, tác phẩm của cô đã mở cho người xem cơ hội chiêm nghiệm và kết nối với các thời kỳ và mốc thời gian khác nhau của lịch sử Việt Nam.


Sự kiện thuộc chương trình nghệ thuật của Manzi do Viện Goethe hỗ trợ

CÁC TÁC PHẨM
​ẢNH TRIỂN LÃM

VỀ CÁC TÁC PHẨM


1. Tác phẩm sắp đặt ‘Bài tập số 2’ - NGUYỄN HUY AN

(Giấy in khổ sách giáo khoa)


Tác phẩm ‘Bài tập số 2’ này là một phần trong dự án đang tiếp diễn của Huy An - lấy cảm hứng từ vai trò không thể phủ nhận của Lê nin như một hình tượng chính trị trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Được viết dưới dạng một đề bài toán, yêu cầu lập phương trình thể hiện mối tương quan giữa bóng của tượng Lê Nin và mặt trời vào các thời điểm khác nhau trong ngày, tác phẩm đang trao người xem cơ hội để suy ngẫm về cách họ sống, lý tưởng, cách nhìn nhận của họ - liệu vẫn luôn bị tác động bởi những thế lực tự nhiên ngoài tầm kiểm soát?


Hình minh hoạ bóng tượng đài trong đề bài được đo vào tiết Thu phân năm 2014, cái bóng tồn tại như một thực thể sinh ra bởi sự tương tác của cái tự nhiên (mặt trời và trái đất đang quay) với cái phi tự nhiên (hình khối của tượng đài).


*Tác phẩm được thể hiện bằng một tập đề bài in khổ giấy sách giáo khoa cũ - mỗi khán giả có thể lấy đi một tờ đề bài.


2. Bộ tranh thêu & tranh ghép vải của VÕ TRÂN CHÂU


 *‘Chân dung số 8, 10, 11’ (Chỉ thêu trên vải) 


Bộ ba chân dung của Vua Hàm Nghi, Vua Thành Thái và Vua Duy Tân – ba vị vua dang dở của triều Nguyễn – cả ba vị đều phải sống lưu vong ở các thuộc địa Pháp tại Châu Phi. 


*Tác phẩm ‘Đâu đó quanh đây 1’ (Quần áo cũ, cửa gỗ tìm thấy) : tái hiện lại hình ảnh đã mất của Chợ và Đình Thủ Đức cùng với xe ngựa thời Pháp thuộc


*Tác phẩm ‘Đâu đó quanh đây 2’ (Quần áo cũ, cửa gỗ tìm thấy): tái hiện lại hình ảnh đã mất của Bưu điện Chợ Lớn


Bằng cách phân giải ảnh chụp các công trình kiến trúc đã từng tồn tại, chân dung các nhân vật lịch sử của Việt Nam ra thành điểm ảnh và tái tạo chúng với những chất liệu cần dày công thao tác, loạt tranh thêu và cắt ghép mosaic của Võ Trân Châu trong cuộc trưng bày lần này là một cách dệt lại ký ức, là cách cô quan sát và tìm hiểu sâu hơn về những góc nhìn đa chiều của lịch.


3. Video art ‘Mười một người đàn ông’ của NGUYỄN TRINH THI 


‘Mười một người đàn ông’ bao gồm các cảnh từ loạt phim truyện kinh điển Việt Nam, với nữ diễn viên chính là Như Quỳnh. Kéo dài ba thập niên cùng sự nghiệp diễn xuất huyền thoại của cô, hầu hết các bộ phim sử dụng trong tác phẩm này - từ 1966 đến 2000 - đều do hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. 


Văn bản của phim được chuyển thể từ "Mười Một Người Con Trai", một truyện ngắn của Franz Kafka xuất bản lần đầu năm 1919, được bắt đầu với một người cha tuyên bố: "Tôi có mười một người con trai", sau đó miêu tả từng đứa con một cách sắc nhọn, có phần mỉa mai. Truyền dịch tiếng nói của người cha từ câu chuyện của Kafka, bộ phim bắt đầu với một phụ nữ mở lời: "Tôi có mười một người đàn ông"


Cảnh phim lấy từ các phim sau:

1.‘Đến hẹn lại lên’ (1974, đạo diễn Trần Vũ)

2. ‘Ngày lễ thánh’ (1976, đạo diễn Bạch Diệp)

3. ‘Bài ca ra trận’ (1973, đạo diễn Trần Đắc)

4. ‘Mối tình đầu’ (1977, đạo diễn Hải Ninh)

5. ‘Nổi gió’ (1966, đạo diễn Huy Thành)

6. ‘Hy vọng cuối cùng’ (1978, đạo diễn Trần Phương)

7. ‘Mùa hè chiều thẳng đứng’ (2000, đạo diễn Trần Anh Hùng)

8. ‘Xích lô’ (1995, đạo diễn Trần Anh Hùng)


4. Series tranh ‘Khi thời gian trôi qua những cái bóng (1 2 3 4 ...)’  của TRƯƠNG CÔNG TÙNG


Tranh vẽ chì, mực in trên giấy Mylar, ánh sáng, bóng tối, bụi, thời gian... 29 cm x 21cm/ 8 lớp/ tranh

20. . – đang tiếp diễn


Tác phẩm của Công Tùng thường gồm nhiều lớp, chúng xuất hiện dưới dạng trần thuật mạch lạc, nhưng lại ngầm gây bối rối với những hình ảnh, thông tin đan xen giữa sự thật và hư cấu.


5. Sắp đặt phù du ‘Tơ giáp hạt’ của PHAN THẢO NGUYÊN

Sợi đay se tròn


‘Tơ giáp hạt’ là một phần trong ‘Hạt Câm’ - dự án nghệ thuật đa phương tiện đang được thực hiện của Phan Thảo Nguyên. 


Sắp đặt gồm những dây tơ đay được se thành cuộn tròn, nằm gọn trong lòng bàn tay, rải khắp không gian triển lãm, cuộn tơ đay có thể bị gió cuốn bay hoặc bị người xem đá hay dẫm lên. 


Với dự án này, Phan Thảo Nguyên muốn tạo dựng một trần thuật vừa mang tính văn chương hư cấu, vừa mang tính tài liệu lịch sử, ‘Hạt Câm’ là cách hiểu đậm chất cá nhân của nghệ sĩ về một dữ kiện không mấy khi được nhắc tới, nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, xảy ra vào thời kỳ Nhật chiếm đóng Đông Dương, được cho rằng đã gây nên cái chết của hơn hai triệu người Việt Nam ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. ‘Hạt Câm’, với những cách nhìn khác về lịch sử và chuyện kể, cùng chất liệu nghệ thuật sẽ gợi mở những cách nhìn đa chiều về những bi kịch con người. Nguyên mong muốn biểu đạt cách hiểu của cô về sự kiện nạn đói và vấn đề an toàn lương thực với cách nhìn khoan dung và khách quan nhất có thể, đồng thời điểm tô nỗi bi ai với nét lạc quan nhằm tụng ca vẻ đẹp phù du của kiếp cỏ cây, kiếp vật, kiếp người.

ĐÊM KHAI MẠC

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page