Rơi Vào Đường Chân Trời
-
September 15, 2019
August 16, 2019
Quách Huy Bắc
Gồm loạt tranh sơn dầu khổ nhỏ trên toan và một sắp đặt đặc biệt được thực hiện theo không gian có sẵn của manzi, ‘Rơi vào đường chân trời’ của Quách Bắc là hình chiếu những hoàn cảnh phi lý trong cuộc sống đô thị đương đại.
Trong series tranh này, Quách Bắc tạo lập cảm xúc trên mặt toan qua những không gian trống đơn sắc và các đối tượng hữu hình. Hình ảnh, màu sắc và cách hành xử của nhân vật trong tranh Bắc đầy tính phi lý, như thể họ đang diễn trên một sân khấu. Đưa các mảnh vụn của cuộc sống, các vấn đề đương thời vào từng tác phẩm nhỏ, loạt tranh của Bắc chứa một chút giễu nhại, châm biếm, hơi một chút bi quan, phản ánh suy ngẫm cá nhân của nghệ sĩ về mối quan hệ giữa người và người trong xã hội hiện đại.
‘Rơi vào đường chân trời’ là triển lãm cá nhân thứ 2 của Quách Bắc sau triển lãm ‘Bầu trời Danh tiếng’ tại Craig Thomas Gallery (Sài Gòn) ba năm về trước.
CÁC TÁC PHẨM
ẢNH TRIỂN LÃM
“[Quá trình sáng tác] là cách để tôi tránh đối đầu trực tiếp với thực trạng xã hội và thế giới thiếu lòng trắc ẩn này, nơi chúng ta bị phân rã theo cả ngàn cách thức, nơi những giấc mơ không thành và những vết thương không thể được chữa lành” – Quách Bắc
* Về tác phẩm 'THĂNG BẰNG' - thuộc loạt tranh sơn dầu
"Lấy cảm hứng từ một sân khấu tuyên truyền Bắc Hàn, mà tôi tình cờ xem được qua một video trên Internet. Tôi nhặt ra một chi tiết trong vở diễn - một khoảnh khắc và chuyển thể nó sang hội họa. Chi tiết ấy miêu tả cảnh diễn viên nam mặc quân phục, trên tay cầm lá cờ, thực hiện động tác nhào lộn trên sân khấu. Động tác diễn ra rất nhanh, cơ thể anh ta với lá cờ tung lên khoảng không, hạ xuống rồi tiếp đất. Hình ảnh người diễn viên giữ thăng bằng khi chạm đất gợi lên sự chênh vênh của các biểu tượng mang tính tuyệt đối."
* Về sắp đặt site-specific 'ĐIỆU VALSE'
Một cái nhìn bi quan về một quá khứ đang thì tiếp diễn?
Chỉ trong một không gian hết sức hạn hẹp các nhân vật đến từ quá khứ cứ phải tiếp diễn, lặp lại, chen lấn vào nhau mà chẳng thể can thiệp vào nhau. Mỗi một nhân vật chỉ mang một động tác duy nhất và di chuyển trong không gian của căn phòng, còn chật hẹp hơn nữa, bởi mỗi góc đều là bàn ghế, bục bệ của một quán cafe kiêm art shop tiêu chuẩn. Tôi gọi tên tác phẩm này là “Điệu Valse” như để thêm vào những hình ảnh tẻ nhạt và nghiêm trang này một giai điệu. Sự lặp lại một cách đơn điệu của sự vật và sự việc phải chăng chỉ là những nhịp điệu và giai điệu tự nhiên của cuộc đời?