top of page

Ôm khoanh trời cũ

-
August 9, 2021
July 9, 2021
Nguyễn Tuấn Cường

‘Ôm Khoanh Trời Cũ’ gồm loạt tranh sơn mài mới nhất của Nguyễn Tuấn Cường, tiếp nối series tranh tĩnh vật đặc trưng của anh. Vẫn đậm chất thơ, giàu tính tự sự, tuy vậy, các tác phẩm lần này của Cường dường như vượt ra vẻ kín đáo và bình lặng quen thuộc, trở nên thách thức nhiều hơn, khám phá mối tương quan trong không-thời gian và suy ngẫm về những hiện diện - vắng mặt, về hình và về bóng.


Triển lãm thuộc chương trình nghệ thuật của Manzi do Viện Goethe hỗ trợ.

CÁC TÁC PHẨM
​ẢNH TRIỂN LÃM

Bài viết cho triển lãm ‘Ôm khoanh trời cũ’

Nghệ sĩ Oanh Phi Phi


Một tác phẩm sơn mài là kết quả tổng hòa của hai thành phần - phần chồng lên của sơn, của hình và phần được mài đi. Xử lý quá trình mài ra sao để cuối cùng hiển lộ đến thế nào là quyết định quan trọng nhất và hao tổn nhiều tâm tư nhất của người nghệ sĩ.


Trong tranh của Nguyễn Tuấn Cường, ta thấy mình được đặt vào một không gian mờ tối, trầm lặng nhưng không tịch mịch. Rồi từ trong bầu không khí kín đáo, riêng tư nhưng rất đỗi dịu dàng ấy, các hình dáng dường như lộ ra, vừa đủ tỏ tường để lọt vào tầm mắt, nhưng cũng đồng thời giấu lại, chìm trong khoảng bóng nửa tối (penumbra) của Sơn ta, không gian ngưỡng giữa phần được chiếu sáng và phần bóng tối hoàn toàn. Những tầng những lớp sơn then và sơn cánh gián phủ dày, sậm lại, mở ra cả một khoảng không rất sâu và thẫm. Đặt vào trong sự thăm thẳm đó lại là vài ba món đồ vật. Quá tĩnh lặng và bé nhỏ, chúng chỉ ở đó, đơn thuần để vạch cho rõ khoảng không trống rỗng bao quanh chúng, và neo giữ ánh nhìn của ta tránh khỏi bị lạc trôi đi mất. Những món đồ gia dụng quen thuộc như bát, lọ, bình, hay đèn dầu, những vật dụng đã tồn tại cả nghìn đời ấy như kéo ta ngược thời gian, trở về thời quá vãng xa xôi nay chỉ còn được gợi nhắc qua vài tục lệ cổ và truyện kể truyền miệng.


Ngắm nhìn tranh của Cường, tôi bỗng nhớ tới câu chuyện ‘Người thiếu phụ Nam Xương’, trong đó kể rằng, khi xưa có người chồng nọ phải chinh chiến xa nhà, để an ủi đứa con trai bé bỏng luôn đòi cha, người vợ ở nhà mỗi đêm đều chỉ bóng mình in trên vách và bảo với con rằng bóng kia chính là cha của nó. Những bức tranh sơn mài của Cường như tóm lấy cái khoảnh khắc bí ẩn, riêng tư ngay trước khi người mẹ thắp sáng ngọn nến và “người cha” hiện ra. Ánh sáng đấy, là sự an ủi tâm lý, là chút mộng tưởng khỏa lấp nỗi đau của hiện thực xa cách. Nhưng khi nhìn lại, thấy được kết thúc của câu chuyện thì nguồn ánh sáng như an ủi kia cũng chỉ là ảo mộng mà thôi.


Việc lựa chọn thể hiện cả phần “không gian ngưỡng” của những vùng bóng/bóng tối, thay vì bỏ qua nó của Cường, là lời nhắc rằng bóng/bóng tối là nơi của mọi biến đổi và dịch chuyển, như lời nhắc trong Bát Nhã Tâm Kinh về bản chất của tính không: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”

ĐÊM KHAI MẠC

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page