top of page

Hà Nội 1967 - 1975

-
November 15, 2020
October 3, 2020
Thomas Billhardt

Tháng 10/2020, Viện Goethe, Camera Work, Nhã Nam và Manzi hân hạnh mang tới một triển lãm ảnh đặc biệt về Hà Nội giai đoạn 1967 – 1975 của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức Thomas Billhardt.


Gồm 130 bức ảnh đen trắng và màu được Thomas chụp trong 6 chuyến đi tới Việt Nam của ông, triển lãm mang tới cho người xem một Hà Nội với những giây phút đời thường của vòng thời gian 1967-1975 một cách chân thực, giản dị và đầy cảm xúc.


Thomas Billhardt là một trong những nhiếp ảnh gia đặc biệt nhất của Cộng hoà Dân chủ Đức. Những tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới. Ảnh của Thomas kể cho người xem về sự bất công xã hội, về sự nghèo đói, sự đau khổ, về chiến tranh, nhưng cũng về cuộc sống của con người và nụ cười của họ.


‘Hà Nội 1967 -1975’ qua ống kính của Thomas là niềm vui đón đứa trẻ chào đời trong thời chiến, là những hầm trú bom chằng chịt trên hè phố, là những phố xá vắng bóng người, là những dáng người lầm lụi trong mưa, là hình ảnh những phi công Mỹ nhận thư nhà trong trại giam, là những gương mặt trẻ thơ trong sáng, là những niềm vui và nỗi buồn nhỏ bé của người dân Hà Nội suốt dọc dài cuộc chiến.


‘Ảnh của Thomas là những khoảnh khắc không thể tái hiện, là những hình ảnh xác thực và chân thành, như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt, một nụ cười ngây thơ trong bối cảnh khắc nghiệt và hăm dọa, một cảnh nên thơ thường nhật khiến ta quên đi nỗi sợ và chiến tranh, đem đến cho ta hy vọng vào trạng thái bình thường hoà bình.’ - ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe đã viết về triển lãm.


Và Hà Nội của Thomas Billhardt là ‘một vùng kí ức Hà Nội đủ đầy’, một bản trường ca tỉ mẩn vẽ nên cuộc sống bộn bề gian khổ nhưng đầy yêu thương…’ trích bài viết của nhà văn Đỗ Phấn.


Triển lãm diễn ra từ 03 tháng 10 tới 15 tháng 11 năm 2020 tại cả hai không gian triển lãm của Manzi, 14 Phan Huy Ích và số 2 Ngõ Hàng Bún. Cuốn sách ảnh cùng tên được Viện Goethe và Nhã Nam xuất bản trong thời gian này. 

CÁC TÁC PHẨM
​ẢNH TRIỂN LÃM

Bài viết cho triển lãm của ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe


LỜI MỞ ĐẦU


Thomas Billhardt là một trong những nhiếp ảnh gia đặc biệt nhất của Cộng hoà Dân chủ Đức. Những tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới. Thomas là người đầu tiên ghi lại nỗi kinh hoàng của cuộc chiến này trên các khuôn mặt trẻ thơ.

Nghệ thuật nhiếp ảnh của ông hình thành và lan tỏa trước thời kỳ bội thực kỹ thuật số. Đó là những bức ảnh khiến người ta không thể quên. Những bức ảnh của ông bắt thế giới phải tự soi lại mình và đồng thời cho thấy hy vọng vẫn tồn tại. Chúng kể cho ta nghe về sự bất công xã hội trên thế giới, về sự nghèo đói, về sự đau khổ, về chiến tranh, nhưng cũng về cuộc sống của con người và nụ cười của họ.

Trong nghệ thuật nhiếp ảnh của mình, Thomas Billhardt thể hiện sự đau khổ thông qua hình ảnh biểu tượng là những đôi mắt trẻ thơ to tròn, đầy biểu cảm. Là một phóng viên ảnh, ông đã đi khắp nơi với tư cách đại diện của các cơ quan nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức, các thông tấn xã và UNICEF. Ông ghi lại hình ảnh của các điểm nóng của thế giới như Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc, Chile, Guinea, Indonesia, Campuchia, Liban, Mozambique, Cận Đông, Nicaragua, Philippines.

Chuyến đi xa đầu tiên của ông là chuyến đi tới Cuba vào năm 1961. “Chuyến đi đó“, ông kể, “là bước ngoặt trong đời tôi. Tôi đã không thờ ơ với những trải nghiệm và sự mê hoặc của phong trào cách mạng. Tôi đã tìm hiểu cả hai mặt của xã hội.“

Thomas đến Liên Xô, Việt Nam và Ý khá nhiều lần. Từ 1962 đến 1985 ông đến Liên Xô năm mươi lần, đến Ý hai mươi lần. Ông đã bị mê hoặc bởi các mâu thuẫn xã hội thể hiện trên những gương mặt người mà ông gặp: “Tôi trải nghiệm niềm vui và nỗi khổ của con người, dù ở các công trường khai thác khí đốt ở Liên Xô cũ hay tại mặt trận ở Việt Nam.(Thomas Billhardt)


TIỂU SỬ


Thomas Billhardt sinh năm 1937, lớn lên ở Chemnitz, hay còn được gọi là Karl-Marx-Stadt thời Cộng hoà Dân chủ Đức. Một trong những ấn tượng dai dẳng của tuổi thơ ông là mùi hóa chất tráng phim và rửa ảnh ở nhà bố mẹ. Mẹ ông, bà Maria Schmid-Billhardt, là nhiếp ảnh gia tự do với hiệu ảnh riêng. Ở tuổi 14 ông được mẹ và các đồng nghiệp nhiếp ảnh khác đào tạo nghề. Ngoài việc đi học ở trường hướng nghiệp, vốn là một phần trong chương trình học nghề ở Đức, mẹ ông còn thu xếp cho con trai buổi phụ đạo riêng các môn Toán, tiếng Đức văn, tiếng Anh, Thể thao (tennis), Lịch sử, Lịch sử Nghệ thuật và Hội họa. Với sự giáo dục toàn diện đó, đặc biệt là kiến thức phong phú về Lịch sử Nghệ thuật và Hội họa, ông đỗ ngay kỳ thi nhập học vào Trung cấp Nghệ thuật ứng dụng Magdeburg và học ở đó từ năm 1954 đến 1957. Ở vùng khai thác than nâu Grosskayna, ông đã làm quen với mặt tối của nghề nhiếp ảnh, khi phải ghi lại các vụ tai nạn có người bị thương nặng hay thậm chí tử vong. Từ năm 1958 đến1963 ông học tại Đại học Nghệ thuật Thị giác Leipzig và tốt nghiệp với bằng cử nhân nhiếp ảnh và thiết kế ảnh. Ông làm nghề chụp ảnh tự do đến năm 1971. Từ năm 1972 đến 1981 ông là trưởng nhóm công tác ở DEWAG -  Công ty quảng cáo Berlin. Từ năm 1982 đến 1989 ông điều hành Xưởng ảnh Billhardt. Thomas Billhardt là thành viên Hiệp hội Nhà báo Đức từ năm 1989 và thành viên Hội sáng tác ảnh tự do từ năm 1990, và được tôn vinh là thành viên danh dự của Hội này năm 2019. Ông được biết đến qua các tác phẩm được công bố trên tạp chí và trong các triển lãm ở nhiều nước. Triển lãm đi kèm cuốn sách ảnh này là triển lãm thứ ba của ông ở Việt Nam sau triển lãm năm 1972 và một buổi trình diễn cho dự án làm phim “Nước chanh đá cho Hong Li“ năm 2000 trên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.


VIỆT NAM


Thomas Billhardt tới Hà Nội lần đầu năm 1967 sau các chặng Matxcơva, Irkutsk, Bắc Kinh, Nam Ninh. Khi đó, ông là cộng tác viên tự do của Xưởng phim tài liệu độc lập Heynowski & Scheumann. Mục đích chuyến đi là một cuốn phim tài liệu phỏng vấn các tù binh phi công Mỹ bị bắn rơi và bắt giữ. Trong dự án phim “Những phi công mặc pyjama“ (1968) Thomas Billhardt phụ trách các cảnh quay ngoại cảnh. Những bức ảnh ông chụp trong chuyến đi này xuất hiện khắp thế giới: trên tạp chí Life (Mỹ), báo Paris Match (Pháp), tạp chí Stern và Spiegel (Tây Đức) và nhiều họa báo khác. Tài liệu từ chuyến đi này và một chuyến tiếp theo qua Việt Nam được trưng bày trong triển lãm lưu động đầu tiên về chiến tranh Việt Nam ở Cộng hoà Dân chủ Đức, Cộng hoà Liên bang Đức, Thuỵ Điển và Matxcơva năm 1969. Cuốn sách ảnh đầu tiên của Thomas Billhardt về Việt Nam ra mắt năm 1973 tại Leipzig.

Từ năm 1962 đến 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam sáu lần, và trở lại sau đó sáu lần nữa. Những bức ảnh chụp trong các chuyến đi này được xuất bản trong bốn cuốn sách ảnh: “Những phi công mặc pyjama“ (1968), “Khát vọng hoà bình: Việt Nam“ (1973), “Hà Nội -Những ngày trước hoà bình“ (1973) và “Những gương mặt Việt Nam“ (1978).


NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH


Thomas Billhardt dùng từ „chân thực“ để mô tả ảnh của mình nhằm nhấn mạnh tính độc lập trong cương vị nghệ sĩ - người đi tìm những hình ảnh trần trụi, không thiên vị của sự vật, hiện tượng. Khi ông bấm máy, những gì xuất hiện trước ống kính phải là thứ đáng được lưu giữ, không chỉ vì thời đó phim âm bản rất đắt đỏ và chỉ có thể kiếm được loại phim Kodak có chất lượng cao hơn của phương Tây bằng rất nhiều tiền hoặc nhờ những mối quan hệ thật tốt, mà còn vì ông không làm việc trong studio - như mẹ mình - mà ở thực địa, tại không gian công cộng. Thứ mà ông cố gắng ghi lại là những khoảnh khắc không thể tái hiện, là những hình ảnh xác thực và chân thành, như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt, một nụ cười ngây thơ trong bối cảnh khắc nghiệt và hăm dọa, một cảnh nên thơ thường nhật khiến ta quên đi nỗi sợ và chiến tranh, đem đến cho ta hy vọng vào trạng thái bình thường hoà bình.

Thomas Billhardt đến từ một kỷ nguyên và thế giới mà ở đó nhu cầu bảo vệ không gian riêng tư đòi hỏi sự riêng biệt và tôn trọng sự toàn vẹn của cá nhân. Tuy nhiên, ông chỉ có thể tạo ra những bức ảnh hấp dẫn nếu ghi lại được những khoảnh khắc riêng tư, nói cách khác, nếu ông có thể đánh cắp một thoáng của sự riêng tư ấy. Là một nhà nhiếp ảnh, ông tìm kiếm những khoảnh khắc thuần khiết, những gương mặt người trước khi họ nhận ra rằng mình sẽ bị chụp hình. Đó là khoảnh khắc trước khi họ kịp phản ứng và cố gắng kiểm soát vẻ bề ngoài của mình. Nắm bắt được khoảnh khắc ấy, khiến nhân vật trở nên bất tử trong sự độc nhất vô nhị của họ, chính điều đó tạo ra không khí thân mật và ấm áp trong ảnh của ông, tạo sự thấu cảm của người xem, như với người Việt Nam chẳng hạn.

Chụp một bức ảnh chân thực không phải điều dễ dàng. Ngày nay, chúng ta liên tục diễn trước máy ảnh của điện thoại di động. Chúng ta đăng những thứ giống nhau lên mạng xã hội, với những động tác nhất định và nụ cười giả tạo, lượm lặt „likes“ từ những người theo dõi gần xa. Thế nhưng, ngay cả trước thời đại kỹ thuật số này, việc chụp một bức ảnh chân thực của một con người cũng không dễ, bởi bất cứ khi nào nhìn thấy máy ảnh, phản xạ của chúng ta là trưng ra một tư thế, làm dáng hoặc cố né khỏi khung hình.

Thomas Billhardt đã phát triển một kỹ thuật độc đáo của riêng ông. Ở không gian công cộng, ông dùng ống kính tele để đến gần hơn với con người, những người mà ông tách họ ra khỏi thực tế xã hội chủ nghĩa đầy khẩu hiệu ở Cộng hoà Dân chủ Đức, và đi tìm nhân cách, tâm trạng và cá tính thật của họ. Một cách khác là dùng mẹo góc, kỹ thuật chụp từ góc bên của ông. Ông nâng máy ảnh lật ngang tầm mắt, mắt áp sát ô cửa tìm hình, nhưng ống kính chĩa qua bên, tức là ông sẽ nhìn mọi thứ lộn ngược và đảo chiều phải trái. Dần dần ông đã rèn cho đôi mắt mình không để ý đến sự đảo chiều nữa và có thể tìm được đối tượng của mình ngay tức khắc. “Tôi sẽ đeo bám „nạn nhân“ như một con sói, vừa tính tốc độ phơi sáng tích hợp nhất vừa ước chừng khoảng cách để có thể đặt trước các thông số. Rồi đến động tác giả. Khi nâng máy ảnh lên, tôi chỉ nhìn vào hình trên khung kính mờ và có thể nhấn nút mà không bị để ý. Bằng cách đó, tôi đã ghi lại được khung cảnh đích thực.“

Sau khi nước Đức thống nhất người ta đặt câu hỏi, liệu có phải Thomas Billhardt chỉ là một nghệ sĩ quốc doanh, và nên đánh giá thành công của ông trong một chế độ độc đoán như thế nào?  Các chuyến đi của ông là theo đơn đặt hàng của các nhà xuất bản nhà nước hoặc do các cơ quan văn hóa mời, nhưng cũng nhiều khi là sáng kiến cá nhân. Ảnh của ông đôi khi xuất hiện trong các ấn phẩm tuyên truyền của nhà nước. Ông nhận được nhiều giải thưởng nghệ thuật trong nước – Để sống và sống sót, ông đã phải thoả hiệp nhiều trong cái khuôn cứng nhắc của chế độ nhà nước giám sát.

Tất nhiên, sẽ đúng, nếu nói Thomas Billhardt cung cấp cho hệ thống mà ông sống bên trong những tấm ảnh nó cần. Nhưng chỉ như thế mới sống sót được với tư cách một nghệ sĩ, và điều đó cũng đúng với nhiều nghệ sĩ độc lập ở các quốc gia tự do với hệ thống cung cầu tư bản chủ nghĩa; họ cũng phải phụng sự theo đòi hỏi của cái hệ thống bao quanh họ. Nếu không thì cả đời họ sẽ chìm vào trong vô danh và tự cướp đi của mình mọi cơ hội để tạo ảnh hưởng và phát ngôn. Các đóng góp và phản biện của họ cũng tạo điều kiện cho khán giả của họ bước tiếp. Sự bạo lực có cơ cấu, chỉ có thể vượt qua bằng sự khéo léo xoay sở hay trốn chạy đến nhữngkhông gian tự do. Chúng ta đã nhắc đến tài khéo xoay xở của Billhardt, nhưng cũng cần nhớ rằng nghệ thuật luôn cần các không gian tự do. Đối với Thomas Billhardt một thời gian dài đó là tạp chí FORUM của sinh viên thuộc Đoàn thanh niên Tự do Đức (FDJ), sau đó đến giai đoạn cộng tác với Xưởng phim độc lập Heynowski & Scheumann. Sự tự do này khiến các tác phẩm của ông trở nên nổi trội. Nó giúp ông duy trì được tính độc lập và tinh chỉnh các kinh nghiệm thế tục cũng như công tác nghệ thuật của mình. Giờ thì dễ hiểu vì sao ông vụt sáng một cách độc đáo trong một bầu không khí chính trị nhạy cảm. Tất nhiên ông thường xuyên là đối tượng bị nghi ngờ, dù vẫn được công khai khen ngợi. Ông liên tục phải thuyết phục những kẻ nghi ngờ bằng chất lượng công việc và sự độc đáo. Thành công bằng mồ hôi nước mắt cho thấy ông đi đúng đường. Đi tới đâu, ông cũng thấy mình rơi vào mâu thuẫn. Liệu ông có phải là một phóng viên cách mạng như Capa? Chắc là không. Ông xuất thân từ gia đình trung lưu với hiệu ảnh tư nhân của bà mẹ, được giáo dục để làm việc và học hành nghiêm túc. Ông cũng không đi tìm sự phiêu lưu để thoát ra khỏi môi trường tiểu tư sản. Ông muốn đi tìm gốc rễ của sự vật và chia sẻ cho thế giới biết; mục tiêu của ông là nụ cười mãn nguyện của trẻ em.


Cả đời Thomas Billhardt trung thành với chính mình. Ông là người thăm dò các vùng nghèo đói và khủng hoảng trên thế giới của chúng ta với đầu óc tỉnh táo và nghiêm cẩn. Người chuyển tải thông điệp của ngôn ngữ nhiếp ảnh Thomas Billhardt luôn luôn là trẻ em. Sự thật rằng nghệ thuật của ông mang tính chính trị, nhưng không đơn giản có thế, khiến, ông trở thành một ngôi sao, cả ở trong nền nghệ thuật và nhiếp ảnh phương Tây. Từ 1999 các tác phẩm của Thomas Billhardt đã được triển lãm tại gallery ảnh nghệ thuật nổi tiếng CAMERA WORK, và trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới.


ĐÊM KHAI MẠC

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page