top of page

In Vitra +

-
March 9, 2019
January 18, 2019
Phạm Khắc Quang

'In Vitra +' giới thiệu những kết quả thực hành mới nhất của nghệ sĩ đồ họa in xuất sắc Phạm Khắc Quang, đánh dấu sự trỏ lại của anh sau 2 năm kể từ triển lãm cá nhân 'Hình của Tròn'


Được biết tới qua những tác phẩm giàu liên tưởng, đậm chất tự sự, kiếm tìm vẻ đẹp trong những sự vật tưởng chừng như hết sức tầm thường, trong triển lãm lần này, Quang không đưa ra những kiến giải phức tạp mang tính ý niệm cao, anh mang đến cho người xem một nghiên cứu kỹ càng, một sự đột phá về quy trình và kỹ thuật, nơi người nghệ sĩ có thể khảo nghiệm những khả năng của mình bên ngoài các giới hạn thông thường.


'In Vitra +', triển lãm cá nhân thứ 4 của Quang, được thực hiện với tham vọng lấy kỹ thuật làm trọng tâm duy nhất, thử nghiệm và thay đổi hoàn toàn kỹ thuật in khắc truyền thống, tạo cho người nghệ sĩ khoảng trống để ngơi nghỉ, bứt thoát khỏi nhiệm vụ sáng tạo gò bó là xác lập một ý niệm.'

CÁC TÁC PHẨM
​ẢNH TRIỂN LÃM

“IN VITRA+” – Một triển lãm cá nhân của Phạm Khắc Quang


Bài viết cho triển lãm của Claire Driscoll


Quyết định lựa chọn một chất liệu nào đó làm phương thức biểu đạt đối với nhiều nghệ sĩ thường là sự kết hợp giữa đam mê cá nhân đối với một quy trình và kỹ thuật nhất định cùng định hướng, ảnh hưởng của một người thầy, một người chỉ dẫn tận tâm. Với Phạm Khắc Quang, đồ họa in rõ ràng là một lựa chọn xác đáng. Sau gần hai thập niên miệt mài theo đuổi lĩnh vực này, anh đã khẳng định được vị trí của mình như một trong những nghệ sĩ đồ họa in xuất chúng, đa dạng và thành công nhất Việt Nam ngày nay, với những tác phẩm giàu liên tưởng, đậm chất tự sự, kiếm tìm vẻ đẹp trong những sự vật tưởng chừng như hết sức tầm thường.


‘In Vitra+’, triển lãm cá nhân thứ tư của Phạm Khắc Quang, được thực hiện với tham vọng lấy kỹ thuật làm trọng tâm duy nhất, thử nghiệm và thay đổi hoàn toàn kỹ thuật in khắc truyền thống, tạo cho người nghệ sĩ khoảng trống để ngơi nghỉ, bứt thoát khỏi nhiệm vụ sáng tạo gò bó là xác lập một ý niệm. Không một chút giả đò, gắng gượng đưa tới công chúng những kiến giải phức tạp mang tính ý niệm cao, triển lãm này mang đến cho người xem một nghiên cứu kỹ càng, một sự đột phá về quy trình và kỹ thuật, nơi người nghệ sĩ có thể khảo nghiệm những khả năng của mình bên ngoài các giới hạn thông thường.


Việc lựa chọn chất liệu biểu đạt thường có thể định vị được tác phẩm, phương thức thực hành và quá trình lao động của một người nghệ sĩ – điều đó càng đặc biệt rõ ràng đối với một nghệ sĩ đồ họa in ấn. Các khâu chuẩn bị, thử nghiệm, lên kế hoạch, các kỹ thuật, áp lực thôi thúc người nghệ sĩ phải liên tục học hỏi và thực hành bằng cả đôi mắt và bàn tay cũng là bấy nhiêu kỳ vọng gửi gắm vào tác phẩm, bấy nhiêu xúc cảm muốn được khơi lên trong lòng công chúng.


Đời một nghệ sĩ đồ họa in có thể là một phản ứng phức cảm khi phải vật lộn với những định nghĩa về chính quá trình thực hành của mình trước khi đạt được thành quả cuối cùng. ‘In Vitra+’ là một khát vọng trong thực hành và sáng tạo mạnh mẽ của Phạm Khắc Quang. Không thỏa mãn với những ràng buộc cứng nhắc của quy ước in ấn nhưng trung thành với tiến trình và kỹ thuật, anh nhìn nhận việc phá hủy và tái cấu trúc vật liệu như một sự giải phóng cac quy tắc truyền thống. Khởi đầu với những thử nghiệm trên gốm, sau đó là thủy tinh và inox, Quang dần say mê và tin tưởng vào khả năng chuyển tải in khắc trên các bề mặt mới. Từ đây bắt đầu một quy trình cô đơn và trắc trở của những mẫu kính, các thử nghiệm, mảnh vỡ, những bản in kém và cả những cuộc hành trình dài trên xe buýt để đến tận lò nung ở một tỉnh xa. Chừng ấy thứ để tạo nên những tác phẩm đang trưng bày tại manzi lúc này.


‘In Vitra+’ là một sự hoàn tất dở dang, một điểm tạm dừng để suy ngẫm về kỹ thuật mới đạt được – môt phương thức biểu đạt không chỉ định hình các dự án tương lai mà còn là kết quả của một hành trình phát kiến không đơn giản. Các tác phẩm này là một chuỗi các phác thảo hoàn hảo, một lưu trữ đầy đủ về một kỹ thuật đã được hoàn thiện, hơn là một giải pháp nghệ thuật cuối cùng. Sau hơn 1500 giờ thử nghiệm, Phạm Khắc Quang mới đạt được điểm mốc này, đó là những ngày dài miệt mài tìm tòi, góp nhặt từng khám phá, vận dụng từng chút một hiểu biết khi thực hành sáng tạo với một vật liệu hoàn toàn xa lạ - kính hay inox.


Và trong quá trình này, Quang lại tự bó buộc mình với những hạn chế mới – một khái niệm quá quen thuộc với nghệ sĩ đồ họa in: kích thước lò nung, độ sệt của màu in, nhiệt độ nung và độ dễ vỡ của thủy tinh, phản ứng của kính khi in màu lên trên, và bề mặt khó thay đổi của kim loại…


Phạm Khắc Quang đã phá vỡ và tái tạo lại không chỉ kỹ thuật cá nhân của chính mình, mà còn cả tầm nhìn và năng lực của một người nghệ sĩ đồ họa in, thậm chí tái định nghĩa vai trò của một người thực hành sáng tạo. Nhiều khi những nghệ sĩ đồ họa in không được nhìn nhận hay bị hiểu nhầm là thợ thủ công. Và chuỗi tác phẩm trong triển lãm này của Phạm Khắc Quang chắc chắn là một lời đáp trả mạnh mẽ quan niệm cho rằng quá trình cá nhân của người nghệ sĩ khi ở vị trí của người chế tác là không liên quan hay chẳng mấy đáng kể.

ĐÊM KHAI MẠC

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page