Ngắm giấy
-
November 26, 2017
November 3, 2017
Nguyễn Đức Phương
Gồm loạt tranh vẽ trên các văn tự cũ của người Tày, sử dụng màu tự nhiên lấy từ đất, đá hay cây cỏ của các miền đất từng qua, cùng chuỗi tác phẩm điêu khắc được làm từ chất liệu cổ truyền - đất thó và giấy bản, 'Ngắm giấy' là hành trình thu gom ký ức của một nền văn minh đã mất, là sự khởi sinh mới cho những gì đã bị phá huỷ bởi thời gian.
Các tác phẩm của Phương giản dị, bình thản nhưng tinh tế và tràn đầy niềm vui sống.
*Triển lãm này thuộc chương trình nghệ thuật của Manzi với sự hỗ trợ của Quỹ CDEF, Đan Mạch
CÁC TÁC PHẨM
ẢNH TRIỂN LÃM
Bài viết cho triển lãm của Đỗ Tường Linh (Hà Nội, tháng 11.2017)
Trong triển lãm cá nhân đầu tiên của mình mang tên Ngắm Giấy, Nguyễn Đức Phương đã đưa người xem vào cuộc hành trình tới những sắc độ khác nhau của giấy. Ấn tượng ban đầu về các tác phẩm của Phương có thể dễ dàng được nhìn nhận và đánh giá như mang màu sắc Á Đông hay tâm linh thiền định huyền bí. Nhưng khi nhìn lại quá trình và phương pháp sáng tác của Phương có rất nhiều những nỗ lực và sự nhẫn nại cá nhân đã khiến những tác phẩm của anh mang lại những rung động đầy chất thơ cho người xem.
Được đào tạo từ trường Mỹ thuật Việt Nam từ một nền tảng hàn lâm và mỹ học phương Tây, sau khi tốt nghiệp Phương không vội vã tham gia quá nhiều các cuộc triển lãm nhóm hay cá nhân mà dành nhiều thời gian cho những thử nghiệm khác nhau trong xưởng vẽ. Lớn lên trong môi trường và thời điểm chuyển giao của hiện đại hóa và đô thị hóa ở miền Bắc Việt Nam những thập niên 90, những mối quan tâm và kí ức của anh vẫn gắn với những câu chuyện, thói quen, lề lối của vùng đồng quê Bắc bộ. Anh đã thử nghiệm với những chất liệu giản dị và gần gũi nhất như giấy, đất, gỗ… cùng với niềm cảm hứng từ những câu chuyện hay những câu ca dao tục ngữ đã nuôi dưỡng anh hằng ngày.
Trong quá trình thực hiện triển lãm này anh đã vượt ra ngoài phạm vi những thử nghiệm với chính bối cảnh và không gian anh sống và thực hiện những chuyến đi tới những vùng cao nguyên Tây Bắc để tìm lại những câu chuyện truyền miệng đang ngày một mai một. Như một người truyền giữ kí ức cần mẫn anh thu gom những tài liệu ghi chép bằng văn tự cổ của những vùng đất này và nâng niu chúng như những linh hồn sống. Những văn tự cổ này chủ yếu được viết bằng tiếng Hán Nôm nhưng là phiên bản của những ngôn ngữ địa phương mà đến ngày nay ngay cả với sự giúp đỡ của các chuyên gia về Hán Nôm anh cũng không thể tìm cách lý giải được ý nghĩa của chúng. Vậy là anh đã cách tái sinh chúng và thổi một luồng không khí mới vào những tập giấy được anh thu gom từ khắp nơi này. Trong toàn bộ các tác phẩm của Phương thế giới của anh tuy thấm đẫm một sự hoài cổ, sự suy vong, một sự tiếc thương cho những gì đã qua nhưng lại cũng tràn đầy một sự an nhiên vui sống. Sự tàn phá hay tan rã là tất yếu trong chu trình trung triển của tự nhiên nhưng cũng là niềm hy vọng cho một sự khởi sinh. Như trong chuỗi tác phẩm chín bức tượng được tạo từ giấy và những cấu kiện bị cháy của một chiếc nhà sàn, dường như Phương không bỏ qua một tiềm năng khởi sinh cho bất kì một chất liệu nào. Người xem thấy được sự phi vật chất và phù du trong chính tính vật chất trong các tác phẩm của anh: sự tương phản giữa sự sống và cái chết. Những nhân vật trong các tác phẩm của Phương tuy nhỏ bé nhưng không vô hình. Họ hài hòa xuất hiện tô điểm một cách tinh tế cho những chi tiết trong tranh. Những tác phẩm của anh vì thế không hề mang một cảm giác choáng ngợp về không gian hay quá ấn tượng thị giác mà là một sự ý nhị hết sức riêng tư. Trong khi chuỗi tác phẩm nhỏ với kích thước một cuốn sách, chỉ có thể một người xem một lúc tạo một không gian riêng và từ đó người xem có thể tưởng tượng về nhiều thế giới khác nhau.
Thái độ nghệ thuật và tính chính trị trong những tác phẩm của Phương như gợi lại trào lưu nghệ thuật Arte Povera – Nghệ thuật nghèo của Ý tại Châu Âu vào thời điểm những năm 60, 70 khi những nghệ sĩ quay về với những chất liệu thiên nhiên với những thông điệp đơn giản và cuộc sống hàng ngày như một thái độ tách biệt với các học viện và các hệ thống, tinh thần DIY – tự thực hiện mọi thứ không cần sự giúp đỡ của các chuyên gia, phản ứng lại chủ nghĩa tiêu thụ, chiến tranh và chủ nghĩa tư bản. Trên tất cả thái độ bình thản và tinh thần mộc mạc, giản dị trong các tác phẩm của Phương cũng chính là thông điệp nghệ thuật của anh: Đơn giản chỉ là như vậy thôi.