top of page

Lovecore

-
November 25, 2021
October 29, 2021
AP Nguyễn

Lovecore


Trưng bày cá nhân của AP Nguyễn, nghệ sĩ thuộc Chương trình Nghệ sĩ Lưu trú của Manzi năm 2020. 

Giám tuyển bởi Bill Nguyễn.


...


“Xem kìa kho báu tuyệt luân

Kỳ trân dị bảo kể sao rõ ràng

Khác gì Động Bích Đào Nguyên

Hang sâu kia ẩn bao nhiêu tiềm tàng

Ngó quanh ai chẳng ngỡ ngàng

Chắc mẩm vạn thứ nàng kia đủ đầy”


Ngân nga vang lên nơi hang động bí mật là tiếng hát thánh thót của công chúa Ariel, ở một trong những phân đoạn ấn tượng nhất trong bộ phim hoạt hình ‘The Little Mermaid’ (Nàng tiên cá). Xoay vòng nhảy múa nơi kho tàng của mình, Ariel phấn khích hồi tưởng về những “bảo vật” mà nàng thu thập được từ những chuyến thám hiểm xác tàu đắm và hang động dưới đáy biển – những đồ vật vốn thuộc về thế giới của loài người trên bờ, đã bị chính chủ nhân chúng làm lạc mất rồi rơi vào lãng quên. Tương tự, tại ‘Lovecore’ của nghệ sĩ AP Nguyễn, một ý vị ngọt ngào lạ lẫm cũng xuất hiện - vừa ngất ngây khêu gợi, vừa bối rối bất ngờ. Bởi ở đây, AP cũng mời gọi và chào đón ta tiến vào kho báu cá nhân mà cô đã tích lũy qua nhiều năm nay. Ở đó, phơi bày trước ánh nhìn của người xem, là những đồ vật và trần thuật thuộc mong cầu và ước vọng riêng tư của nghệ sĩ, trong dáng vẻ tột cùng rực rỡ, yểu điệu mong manh, mà cũng không kém phần thuần khiết trung thực của chúng.



Hòn non bộ. Áo dài. Vịnh Hạ Long. Đồ bikini. Karaoke. ‘Việt Nam Quê Hương Tôi’. Xuất hiện trong triển lãm này là những thị giác và văn bản (hay chính xác hơn là những đối tượng nghệ thuật mà nghệ sĩ khảo cứu, chất vấn), được lựa chọn từ dự án vẫn đang tiếp tục của AP, bắt đầu từ 2017, thời điểm nghệ sĩ rời Việt Nam để ra nước ngoài học tập và sinh sống. Hấp thu song đôi hai nền văn hóa, bị thu hút bởi xu hướng thẩm mỹ ‘kitsch’‘camp’ (*), đồng thời say mê tất cả những gì tạm gọi là “quốc hồn quốc túy Việt Nam”(**), nghệ thuật của AP nằm giữa ký ức cá nhân và tưởng tượng tập thể. Cô lấy cảm hứng sáng tác từ đó, luôn nỗ lực hợp nhất chúng, và có đôi khi, không khỏi bị kẹt lại ở chính vị trí trung gian đặc biệt này. Vay mượn từ các hiện tượng văn hóa đại chúng, tận dụng thứ thẩm mỹ đại trà và sản xuất hàng loạt, khai thác hệ thống các biểu tượng đã bị “xào nấu” đến sáo mòn, AP vui đùa và giễu nhại trong sáng tác của mình. Cô phá bỏ những quy ước, những mong đợi vốn định sẵn nơi các đồ vật và hình ảnh quen thuộc kia, bằng việc thay đổi các đặc tính và chức năng của chúng, hoặc thông qua việc đan cài, lồng ghép vào đó những phản tư cá nhân, tự truyện và trải nghiệm riêng tư. Vì lẽ đó, tác phẩm của cô đùa giỡn với những gì ta nghĩ rằng ta biết.


===========================================


(*) Thông thường, ‘kitsch’ (khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, thường được thay thế bằng từ ‘sến’) gắn liền với văn hóa phương Tây, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng hậu công nghiệp, khi xã hội phát triển, đời sống vật chất dư giả, con người ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động giải trí và nghỉ ngơi. Là “những vật bắt chước rẻ tiền, những món tạo tác tôn giáo xoàng xĩnh, đồ lưu niệm thô tục và đồ cổ quái đản”, kitsch thường được sản xuất hàng loạt; chúng giả mạo, đạo nhái và pha tạp vụng về các quy ước thẩm mỹ, các phong cách từ những thời kỳ, quốc gia và nền văn hóa rất khác nhau. Thường được sử dụng như những vật trang trí phô trương đơn thuần, kitsch được nhiều người ưa chuộng và yêu thích bởi tính dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và vẻ ưa nhìn, dễ hiểu, dễ cảm thụ hay có thể gọi là “vẻ đẹp tức thời / vẻ đẹp ăn liền” (theo cách nói của học giả / nhà phê bình Matei Călinescu). Thường khó để phân biệt với kitsch, ‘camp’ (xin giữ nguyên từ và không chuyển ngữ) là một phong cách, cảm nhận và chiến lược thẩm mỹ; nó “trau dồi và khai thác cái xấu, gu thẩm mỹ tồi, dở tệ, cốt để hình thành một hình thức tinh luyện vượt trội”. Đôi khi camp được các nghệ sĩ sử dụng một cách có chủ ý để “phá bỏ các quy ước về tính thẩm mỹ, cái đẹp tiêu chuẩn, nhằm thoát khỏi sự xơ cứng của chủ nghĩa hàn lâm”. 

Để đọc thêm về kitsch và camp, mời tham khảo cuốn sách của Matei Călinescu ‘Five Faces of Modernity: Modernism, Avant-garde, Decadence, Kitsch, Postmodernism’ (1977). Nhà xuất bản Đại học Indiana.


(**) Mượn từ tuyên ngôn nghệ sĩ của AP (tháng 11/2020), cụm từ “quốc hồn quốc túy Việt Nam” dùng để chỉ những khái niệm, hình ảnh và địa danh đã được biểu tượng hóa để tạo thành một tưởng tượng về những gì tạo nên 'Việt Nam'. Bản thân chúng đã bị biến thành những món quà lưu niệm sản xuất hàng loạt mà du khách có thể mua về (ví dụ như móc khóa, nam châm tủ lạnh, khung ảnh, bưu thiếp, v.v.) hoặc đồ trang trí nội thất trưng bày trong nhà của họ. Mang một cảm thức thị giác đầy tính kitsch, những đồ vật này không chỉ thể hiện mong muốn sở hữu, chiếm đoạt (của một người trước một địa điểm hoặc một nền văn hóa), mà còn đại diện cho khao khát lưu giữ quá khứ (ký ức và ấn tượng của người đó về địa điểm/nền văn hóa vừa nói tới.

CÁC TÁC PHẨM
!
​ẢNH TRIỂN LÃM
!

Tiêu đề của triển lãm tham chiếu tới một phong cách thẩm mỹ ra đời trên Internet (và được nhân rộng bởi người dùng các kênh mạng xã hội như TikTok, Instagram và Tumblr). Tựu chung, Lovecore tôn vinh tình yêu và sự hoài niệm, thường kết hợp các màu hồng, đỏ, trắng, hoa văn hình trái tim, và “dựa trên ngôn ngữ thị giác của những gì làm nên sự lãng mạn nhân tạo.”  (Đọc thêm về Lovecore tại đây)


Đối lập với Lovecore là Hatecore (hay Violencecore), một phong cách thẩm mỹ xoay quanh sự tức giận, lòng ghen ghét, sự thất tình, cảm giác bị từ chối và những hình ảnh bạo lực.

_______________________________________________________________________


Nhấp nhô trong không gian trưng bày, một nhóm tác phẩm điêu khắc làm bằng gốm nổi lên như những cụm đá nhỏ. Nước da trong mờ của chúng đượm màu trắng đục, vẩn sắc vàng nâu, heo hắt xanh xám, nhợt nhạt tím tái – gợi nhắc cảm giác yếu ớt, bệnh tật, mục nát. Lấy cảm hứng từ những danh lam thắng cảnh đã trở thành biểu tượng du lịch của Việt Nam (như Vịnh Hạ Long và Ninh Bình), vay mượn dáng vẻ của hòn non bộ (một hình thức nghệ thuật chế tác có lịch sử lâu đời ở nước ta), chuỗi điêu khắc này đóng vai trò như những cánh cổng dẫn lối người xem bước vào thế giới của AP. Xuất hiện từ vài thiên niên kỷ trước, hòn non bộ là một mô hình thu nhỏ gồm hai thành phần chính: non và nước (núi và hồ). Là những vật chất đại diện cho vũ trụ quan của người xưa, hòn non bộ mang ý nghĩa phong thủy quan trọng trong xã hội Á Đông, hàm chứa lòng kính trọng của con người trước sức mạnh tối cao của tự nhiên và Trời-Đất. Nếu như trước kia, hòn non bộ là một phần thiết yếu của các kiến trúc tâm linh như đền chùa, thì ngày nay, chúng còn đóng vai như những vật trang trí nội thất phổ thông, có thể dễ dàng sản xuất và thông thương. Trên bề mặt chuỗi điêu khắc của AP, thay vì những chi tiết thường thấy như cây cảnh và hình nhân, động vật, chùa chiền làm bằng sứ, lại xuất hiện nào cây cọ, nào sao biển, nào dép tông, nào bikini. Tất thảy cùng mời gọi và hứa hẹn một ảo tưởng thoát ly, một chốn ‘thiên đường nghỉ dưỡng’ ở xứ sở nhiệt đới nào đó. Kế bên, cụm từ ‘Việt Nam Quê Hương Tôi’ xuất hiện dưới dạng từng chữ rời rạc, tách biệt, riêng lẻ, không còn đi liền với nhau thành một chỉnh thể. Ở đây, AP đang ám chỉ khái niệm ‘Việt Nam’ nào, đang gọi hình thái ‘Việt Nam’ nào là quê hương của mình? Một ‘Việt Nam’ tồn tại trong thần thoại và tín ngưỡng; hay một ‘Việt Nam’ như sản phẩm thương mại du lịch – được đóng gói, mua bán, nhằm phục vụ cho viễn tưởng của những kẻ khác về một thiên đường nơi địa giới? Lẩn khuất bên trong vài điêu khắc bằng gốm của AP, ta thấy các video ghi lại chính nghệ sĩ trong những cảnh huống đa dạng, hóa thân vào các nhân vật khác nhau. Ở một ví dụ, AP mặc chiếc áo dài truyền thống; mặt trang điểm dày đậm. Cô như thể đang vừa lơ lửng trên nền một bức hình chụp phong cảnh non xanh nước biếc rực rỡ, vừa hát nhép theo ca khúc ‘Cát Bụi Tình Xa’ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dưới sự thể hiện của giọng ca Hải ngoại Khánh Hà. Động tác có phần vụng về, rời rạc, trong khi thần thái lại hết sức vui tươi, tự chủ, nhân vật mà AP vào vai có màn ca hát và nhún nhảy tưởng như nghiệp dư, nhưng lại cuốn hút và đẩy lên nhiều khơi gợi. Liệu cô đang ngại ngùng trước ống kính camera, hay đang cố diễn ra điệu bộ lạc lõng, thiếu nhất quán kia? Tiếp tục theo dõi, ta dần thấy sự chuyển biến trong ngôn ngữ cơ thể của nhân vật: cái hất tóc điệu đàng, những động tác lả lơi, tán tỉnh ống kính đang đắm đuối dõi nhìn cô, như thể cô đang giành lại quyền kiểm soát của mình. Vào một số thời điểm nhất định, AP đào thoát khỏi bài hát và nhân vật, có vẻ cố tình hát nhép chệch nhịp hoặc hướng ánh mắt ra ngoài khung hình, sau đó lại điềm nhiên trở lại tiếp tục biểu diễn. Tưởng chừng như âm nhạc, con người và khoảnh khắc của quá khứ đã bị lơ là, bị gạt bỏ khỏi bối cảnh cụ thể của chúng, bị lãng quên, và rồi trở thành một giai điệu bất kỳ mà ai đó có thể thuận tay chọn lấy, bật lên rồi tắt đi. Hay phải chăng, bóng tối của lịch sử - quá đỗi khổng lồ và dày đặc, đến nỗi con người hết lần này tới lần khác phải nhắm mắt làm ngơ trước sự tồn tại của nó? Như người ta thường vẫn nói, 'Vô minh là phúc lạc’. 


Tại góc khác của trưng bày, một tác phẩm điêu khắc được tạo thành từ nhiều mảnh gốm treo trên tường, mô phỏng hình dáng của mảnh nội y hay đồ bikini, trong trạng thái vỡ vụn, với một góc bị buộc vào sợi dây xích. Không còn lớp trang điểm hay trang phục hào nhoáng, ở tác phẩm này, AP cố tình cởi bỏ lớp vỏ bề ngoài, đối diện với khán giả qua sự hiện diện của món đồ riêng tư bậc nhất, thường sẽ chẳng để lộ cho ai khác ngoài bản thân hay người thân cận. Thứ gần gũi đến nhường đó với da thịt, với thân thể và bản dạng nữ bỗng trở nên nên méo mó, khi trên bề mặt sáng bóng của gốm lờ mờ xuất hiện dòng chữ ‘Privilege’ (Đặc quyền). Đặc quyền gì đang được nhắc tới ở đây? Đặc quyền được sở hữu và đụng chạm cơ thể? Hay đặc quyền được chia sẻ và thay đổi danh tính? Ai sở hữu đặc quyền này? Ai có thể giành lấy nó; ai có thể tước đoạt nó? Ở đây, nghệ sĩ cũng chỉ ra một loại đặc quyền khác – đặc quyền của chính bản thân cô, người được hưởng thụ nền giáo  dục tối ưu, có cơ hội đi đây đi đó, nhìn ngắm thế giới, và cốt yếu hơn cả, là được tự do lựa chọn cách sống của riêng mình. Trớ trêu thay, giống như hình ảnh sợi dây xích kia ẩn giấu đôi điều ràng buộc, để sở hữu sự tự do trong cuộc sống ấy, hẳn sẽ có những thứ ta phải đánh đổi. Sự đời trước nay luôn đúng như vậy, ‘Được cái này thì mất cái kia’. Hay lấy ví dụ như câu chuyện gốc của ‘Nàng Tiên Cá’. Truyện cổ tích ấy có cái kết thúc bi thảm hơn nhiều so với phiên bản phim hoạt hình: Nàng Tiên Cá phải hi sinh giọng nói và mạng sống của mình, chỉ để đối lấy sự khước từ phũ phàng từ chàng hoàng tử trong mộng. Cuối cùng nàng bị mắc kẹt trên trần gian cùng lời nguyền: phải cứu giúp nhân loại trong 300 năm, rồi sau đó mới có thể trở thành linh hồn bất tử và được lên Thiên Đàng. Tương tự, ta cũng có thể tự hỏi, ‘Vậy với AP, cô sẽ sẵn sàng trả giá ra sao?’ 


… 


Sắm vai một vị khách du lịch lần đầu tiên tới Việt Nam, AP như thể nhảy chân sáo, ngắm nhìn môi trường xung quanh và đời sống hằng ngày, miệt mài thực hiện chuyến du hành cá nhân, khám phá những địa điểm, những nền văn hóa và những câu chuyện khác nhau về Việt Nam. Thoạt tiên, có vẻ như người nghệ sĩ này - theo bản năng tò mò rất đỗi trẻ thơ - ngẫu nhiên chọn ra bất kỳ tham chiếu (dù là thuần túy thị giác hay mang tính lịch sử), để trí tưởng tượng của mình dẫn dắt, sau đó lộn ngược, lật trái, xoay phải, tự do mổ xẻ và kết hợp các tham chiếu lại với nhau để làm ra tác phẩm. Thế nhưng, dưới vẻ ngoài tưởng tùy hứng ấy, qua những cân nhắc, tính toán và chủ ý rõ ràng, AP can đảm đón lấy cả những khả năng lẫn những hóc búa trong các chủ thể/chủ đề mà cô lựa chọn khai thác, kể cả khi trọng tâm tác phẩm xoáy sâu vào bản thân con người và câu chuyện riêng tư của cô. AP thực hiện điều này với lòng chân thành, một trái tim rộng mở, và quan trọng hơn cả, là bằng khao khát học hỏi về thế giới xung quanh, trong mong mỏi tự vấn về vị trí của chính mình trong thế giới đó. Và cứ thế, cuộc du hành của AP tiếp tục.

ĐÊM KHAI MẠC
!

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page