không nghĩ
-
December 5, 2022
November 17, 2022
Nguyễn Văn Phúc
Xuất phát từ loạt sắp đặt chưa thể thực hiện được hơn mười năm trước của Nguyễn Văn Phúc, “Không nghĩ” là một tổ hợp của những hiện hữu vật lý song song với những cái từng hiện diện được lưu trữ và tái trình hiện:
Một lọ penicillin nước mắt
Một sinh vật bò sát
Một dải vải lơ lửng buộc thắt nút
Một bức tranh từ cơm cháy
Một người chạy trên cánh đồng hoa vàng
Một người ngồi trên giàn mướp
Một người nằm lên bụi hoa
Một vòng tròn rỗng bằng phân trâu
Dồn vào trong cùng một không gian, những hình ảnh đè đẩy nhau, ngắt quãng nhau, ganh đua nhau, hô ứng nhau mà không gửi trả bất kỳ một ý nghĩa nào. “Không nghĩ” ập vào người xem một lượng lớn, đa dạng các thông tin thị giác, tự thân chúng có một sức nặng đánh trực diện vào giác quan, nhưng đồng thời dường như hoàn toàn vô lý, rời rạc về mặt tư tưởng và logic thông thường.
Cự tuyệt một kết nối logic, các phân mảnh của “Không nghĩ” chân thực và nguyên bản bởi Phúc “…không tìm cách truy vấn sự bắt nguồn mà chỉ nhận biết và ghi nhớ lại chúng theo trí nhớ hữu hạn…” mà thôi, như thể bắt tóm lấy vài hình dung ngẫu nhiên vọt vào tâm tưởng hay rà soát những ảo ảnh thoáng qua trong cơn mơ. Nhìn từ góc độ đó, Nguyễn Văn Phúc đã vật chất hóa vùng vô thức của tâm trí trong “Không nghĩ” với một hình hài rõ rệt, pha trộn giữa vẻ gây hấn và nét bông đùa, giữa chất thô ráp và ý vị bay bổng.
“Không nghĩ” vì vậy không phải là sự giả cách để che giấu những nông cạn & trống trơn nội tại, cũng chẳng phải cách thức lắt léo thiết lập một đội hình chiến thuật, hay một nỗ lực gò ép mang tính thách đố nhằm đón đợi một kết luận nào. Sự mãnh liệt và thuần túy của thị giác / giác quan nói chung, đối lập với sự rỗng không (chủ động) trong suy nghĩ và tư tưởng mang tới cho “Không nghĩ” một độ trong suốt thấu triệt, mang dáng dấp thiền định. Khi suy nghĩ chỉ là thứ yếu và vô ích, khi triệt tiêu mọi đường nét và vẻ hão huyền trừu tượng mà ta có xu hướng gán cho / khoác lên sự vật từ trước, ta sẽ đi đến đâu? Liệu có phải là sự thật như Phúc mong muốn: “[...] tôi không hề phản kháng hay cố tình làm khác đi với tư tưởng của nghệ thuật hậu hiện đại- nghệ thuật lấy tư tưởng làm chủ đạo mà chỉ là một phương thức tiếp cận xuất phát từ chính trải nghiệm cuộc sống của tôi và theo tôi đó cũng là một cách tiếp cận sự thật.” (Trích tuyên bố của nghệ sĩ)
“Không nghĩ” khép lại quãng thời gian mười hai năm vắng bóng (một phần) của Nguyễn Văn Phúc khỏi bối cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam, hy vọng mở ra một chương mới nhiều mong chờ trong con đường thực hành sắp tới của anh.
CÁC TÁC PHẨM
ẢNH TRIỂN LÃM
TUYÊN BỐ CỦA NGHỆ SĨ:
“Một tác phẩm chỉ là hình ảnh - không có suy nghĩ và tư tưởng.
Cách đây khá lâu khoảng từ năm 2012, tôi có dự định làm một tác phẩm sắp đặt là chuỗi những hình ảnh được tôi ghi nhớ trong đầu nhưng tôi đã hoàn toàn dừng việc suy nghĩ về nó. Và tôi muốn trình hiện những hình ảnh cụ thể đó trong không gian, những hình ảnh rời rạc và gần như không có sự gắn kết về mặt logic.
Do những yếu tố không thuận lợi, tôi đã không thực hiện được tác phẩm trong thời gian đó, nhưng những hình ảnh trên vẫn được tôi lưu trữ trong đầu cho tới nay. [...]
Tôi biết rằng thực ra thì tất cả các hình ảnh diễn ra trong tâm trí không phải bỗng dưng xuất hiện mà nó bắt nguồn từ những ám ảnh trong quá khứ như một hệ quả tất yếu (quan điểm của Phân Tâm Học) hay từ những kiếp sống trước (quan điểm Phật Giáo), nhưng với tôi, tôi không tìm cách truy vấn sự bắt nguồn mà chỉ nhận biết và ghi nhớ lại chúng theo trí nhớ hữu hạn của tôi.
Có một thời gian tôi bế tắc khi truy tìm ý nghĩa hay bản chất một số vấn đề trong cuộc sống của tôi. Và tôi đã dừng lại không muốn suy nghĩ về nó nữa (do càng nghĩ càng bế tắc), tôi bắt đầu luyện tập một số phương pháp không suy nghĩ như: nhìn mặt hồ nước gợn sóng trong nhiều giờ hay nhìn ngọn lửa cháy, hay nhìn khóm lá cây lay động mà không nảy sinh suy nghĩ. Cũng như vậy khi tôi tập đối thoại với một người, lúc mà tôi không thể nắm bắt được câu chuyện họ nói, tôi chuyển sang quan sát cử chỉ, thái độ và tinh thần của họ. Đây cũng là cách mà tôi mong muốn gắn kết với họ.
Quay lại với tác phẩm này, tôi không hề phản kháng hay cố tình làm khác đi với tư tưởng của nghệ thuật hậu hiện đại - nghệ thuật lấy tư tưởng làm chủ đạo mà chỉ là một phương thức tiếp cận xuất phát từ chính trải nghiệm cuộc sống của tôi và theo tôi đó cũng là một cách tiếp cận sự thật.”
- Nguyễn Văn Phúc, Hà Nội, tháng 10 năm 2022
_______________________________________________________
SUY NGHĨ VỀ 'KHÔNG NGHĨ'
Một đối thoại của Nguyễn Như Huy (kẻ suy nghĩ) với các tác phẩm của Nguyễn Văn Phúc
1. Trước hết, xin cùng hình dung ra một cảnh tượng. Có một đứa bé chưa biết nói. Một hôm vào lúc cả gia đình đang quây quần bên nhau, đứa bé ấy bỗng giơ tay chỉ vào chiếc ghế. Cả gia đình quay sang nhìn nhau cố gắng đoán xem đứa bé muốn gì. Cha đứa bé bảo,“Hay nó đang muốn ngồi vào ghế”. Mẹ đứa bé bác đi, “Không đâu, nó chưa biết ngồi lên ghế. Có lẽ nó nghĩ đó là một con thú cưng biết đi”. Chị đứa bé cười phá lên, “Con không nghĩ thế đâu cha mẹ ạ. Nó chỉ muốn đi qua chiếc ghế nên nhờ chúng ta bê ghế ra”. Ông bà đứa bé thì chỉ lắc đầu cười và giảng giải, “Lắm chuyện, nó đang ám chỉ việc nhiều ông bà bộ trưởng làm việc thì kém, chỉ tìm cách giữ ghế là giỏi”. Cả nhà cứ thế cãi nhau. Cho đến tận tối đi ngủ, ai cũng thấy tấm tức vì không có cách nào để có thể biết được rằng, khi đứa bé chưa biết nói ấy chỉ tay vào ghế. Thế thì lúc ấy nó có ý gì?