Hội Chẩn
-
January 7, 2019
December 7, 2018
Nguyễn Thị Huệ
Hà Đào
Hạnh Trần
Lê Xuân Tiến
Nguyễn Đức Huy
Mai Phạm
Thịnh Nguyễn
Jamie Maxtone-Graham
"Những chuỗi ảnh trưng bày trong triển lãm này được thực hiện trong khoá học dài hạn tại Hanoi Doclab năm 2017. Trong nhiều tháng, người chụp đã định vị một không gian công cộng hoặc riêng tư có ý nghĩa với riêng họ để khám phá bằng phương thức nhiếp ảnh. Dự án được phát triển dần lên qua các buổi thảo luận nhóm, học viên chia sẻ tác phẩm đang thực hiện với những người cũng đang sáng tác bộ ảnh của mình.
Triển lãm trưng bày kết quả của quá trình này. Các giám tuyển của triển lãm đã trưởng thành từ chính khoá học và chứng kiến sự phát triển của tác phẩm từ những ngày đầu, họ biết tường tận qui trình cũng như những khó khăn và đã hiện thực hoá chúng.
Đây là triển lãm nhóm thứ hai của khoá học nhiếp ảnh tại DocLab. Triển lãm đầu tiên năm 2013 có tên Autopsy Of Days – tiêu đề gợi tới khám lâm sàng, một cuộc khám nghiệm do các nhiếp ảnh gia thực hiện khi khảo sát cuộc sống của chính họ, thời đại của họ tại thành phố Hà Nội nơi họ sinh sống. Trong y học, khi bệnh nhân nhận được một chẩn đoán đáng lo từ bác sĩ và không chắc về việc tiến hành điều trị, thường họ sẽ nhờ chuyên gia y tế khác hội chẩn để xác nhận, bác bỏ hoặc sửa đổi phát hiện ban đầu.
Và đây là góc nhìn thứ hai từ một nhóm người khác. "
- Jamie Maxtone-Graham
(nghệ sĩ hướng dẫn của khóa học tại Hanoi Doclab)
CÁC TÁC PHẨM
ẢNH TRIỂN LÃM
Về các tác phẩm
1. Đỏ Xanh truyện của Nguyễn Thị Huệ
Mỗi người đều có thể được đặc tả bởi một màu sắc hay một tập hợp màu.
Đó có thể là cảm giác họ mang lại hay hình hài, dáng dấp vật lý.
Đó có thể là màu xanh thẳm buồn bã, lạnh lẽo hay ngùn ngụt cháy của ngọn lửa đỏ rực.
Đó có thể là những gì đẹp đẽ hòa quyện nhưng cũng có thể là khoảng trống không cách nào gắn kết được.
Thông qua những kí ức về bố mẹ mình thời thơ ấu, những cảm giác trong quan hệ bố - mẹ, tác giả muốn khắc họa chân dung và mối quan hệ hai người như một lần nhìn lại và khám phá thêm chính họ thông qua quá trình chụp có sự tương tác với bố mẹ mình.
2. Soi gương của Hà Đào
Nội cảnh. Những cảm giác từ đau khổ đến vui sướng hằn lên cơ thể hai người. Máy ảnh hướng về phía cô gái, về người yêu, về những gì đang sống trong căn nhà mở cửa sổ, bể cá và túi ni-lông.
Đây là một cuốn nhật ký nửa thực nửa bịa để ngỏ. Những giây phút khao khát, bám víu, đối mặt và đẩy xa được chụp lại nhằm lưu giữ kí ức, nhưng khi người không còn ở đây, chúng có còn ý nghĩa gì đâu.
3. Một thế giới khác của Hạnh Trần
Vào một ngày tôi mang máy ảnh lang thang trên một cánh đồng cỏ bị đốt cháy, tôi thấy những miếng gỗ đang được phơi khô để làm đóm diêm. Tôi im lặng chỉ ngắm nhìn chúng: những thớ gỗ như mắt người với những hình dạng bí ẩn, những lớp cỏ đã bị cháy từ gốc dường như vẫn còn ấm áp sự sống.
Tôi chụp ảnh chúng như một người quan sát. Bên cạnh đó, tôi nắm bắt những chi tiết nhỏ của thế giới tự nhiên xung quanh với những góc chụp khác nhau và sử dụng hình ảnh âm bản. Điều này cho phép tôi nhìn ngắm và cảm thấy chúng gần gũi với cơ thể tôi. Hình dạng lá và đường gân có thể là các neutron trong não bộ hay mạch máu trong trái tim tôi...
Từ các vật liệu được coi là rác thải như chất thải gỗ, cỏ, ốc sên... và thế giới tự nhiên xung quanh mình, hoa, lá, nước... tôi hy vọng có thể tiết lộ và minh họa mối liên hệ giữa con người
với một thế giới khác tồn tại ngay bây giờ và ở đây, nhưng có thể đã rơi vào quên lãng.
4. Mom-me của Việt Vũ
"Mẹ-Tôi là loạt ảnh cá nhân đầu tiên tôi thực hiện về một người phụ nữ thôn quê là mẹ tôi, cuối năm 2016. Trong dự án này, tôi sử dụng máy ảnh là phương tiện để khám phá sự tác động của thời gian lên cơ thể mẹ tôi. Bộ ảnh cũng là sự khám phá trong tâm thức của tôi về mối quan hệ giữa người mẹ và con trai. Tôi cố ý sử dụng ánh sáng tự có tại chỗ khi chụp những bức ảnh nude bởi tôi muốn đạt đến sự thô mộc và chất tự nhiên trong ảnh. Tôi cho rằng điều này giúp tôi đến gần hơn tới nhân vật, cũng chính là mẹ tôi. Tôi cũng cho rằng cách sử dụng ánh sáng trực tiếp như vậy giúp phơi lộ một nhân vật yếm thế theo cách trực diện nhất. Những bức ảnh khác miêu tả mẹ tôi theo cách dịu dàng và mơ màng như trong mơ. Tôi thích vậy."
5. Tìm kiếm mặt thứ tư của Lê Xuân Tiến
Đối diện với những quang cảnh mà tác giả vẫn luôn chỉ gắn lên nó những kỉ niệm, bộ ảnh là một quá trình tự đối diện với vấn đề đó, bóc tách những kỉ niệm ra khỏi quang cảnh để có thể nhìn chúng - quang cảnh và kỉ niệm đã được tách rời, trong một hình hài khác. Một kỉ niệm chỉ là kỉ niệm bên trong khu vực của kí ức, và một quang cảnh nằm ngoài không gánh vác trên mình tính cá nhân của tác giả. Thế nhưng nỗ lực này liệu đã/có thể thành công?
6. '112' của Nguyễn Đức Huy
Với tác phẩm lần này tác giả lặp đi lặp lại hành vi ghi chép đối tượng ngày qua ngày với cùng một góc chụp, cùng một bố cục, nhằm cố gắng theo đuổi quá trình chết dần của những quả quít. Trong suốt quá trình này tác giả luôn tồn tại 1 câu hỏi “Chúng đã chết vào thời khắc nào ?”
7. Tôi chụp gì khi đi quanh thành phố của Mai Phạm
Dự án này bắt đầu đơn giản bằng việc tôi cầm máy và đi khắp thành phố mình đang sống, ghi lại mọi hình ảnh khiến mình chú ý, một cách tự nhiên và tự do. Dần dần, những hình ảnh tôi muốn ghi nhớ trong những lần lang thang đó bắt đầu trở nên tập trung. Chúng phản ánh cảm nhận của bản thân tôi về thành phố. Với tôi, Hà Nội là một thực thể sống, mà trong đó mỗi cảnh quan và con người có những cách khác nhau để kết dính và tồn tại.