top of page

NHỮNG CHƯƠNG VỠ

-
January 26, 2014
January 5, 2014
Nguyễn Trần Nam

Không gian trưng bày, trống vắng và kiệm màu. Đoạn video chiếu cảnh đầu đạn xuyên qua không trung, lặp lại và lặng thinh. Văn bản miêu tả khoảnh khắc trước, trong và sau cái chết, chi tiết và viết tay. Cuốn phim gia đình chiếu giây phút thân mật giữa cha và con trai, được tìm thấy trên mạng và xử lý chậm lại. Bức ảnh chụp một nhóm các chàng trai trẻ, hân hoan và bạc phếch. Cuộc đối thoại giữa cha và con trai, phi lí và dàn trải trên tường.


Các tác phẩm trên thuộc trưng bày cá nhân của Nguyễn Trần Nam, mang tên NHỮNG CHƯƠNG VỠ, diễn ra tại manzi từ ngày 06 tới ngày 26 tháng 01 năm 2014. Bắt nguồn từ những câu chuyện của riêng mình, cùng lúc với mong muốn vươn ra để kể những câu chuyện của người khác, chuỗi tác phẩm mới của Nam vừa “riêng” lại vừa “chung” - sử dụng khái niệm chiến tranh làm phông nền để khảo sát đề tài bạo lực, cái chết và mối quan hệ giữa cha và con trai. Qua NHỮNG CHƯƠNG VỠ, Nam nêu ra quan điểm về sự tác động của tư tưởng và niềm tin tới việc xác lập căn tính và nhận thức của một thế hệ; đồng thời, anh thể hiện được các kẽ vỡ hở, các mảnh thất lạc cũng như sự gắn kết chặt chẽ giữa thế hệ này với thế hệ khác – bất chấp việc các thế hệ có xa rời nhau (hay khao khát được xa rời nhau) như thế nào. Với niềm ham thích tiểu thuyết và phim chiến tranh, và lấy cảm hứng từ trải nghiệm của cha mình - một người lính công binh trong chiến tranh Việt-Mỹ - một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền trong thời bình, người nghệ sĩ đã sắm hai vai diễn: vừa là người khai quật ký ức, vừa là nhà kể chuyện giả tưởng, thêu dệt họa tiết đời thực với sắc màu hư cấu, xây dựng một thế giới tưởng tượng không bị gò bó bởi bất kì sự thật, không gian hay thời gian nào.


Triển lãm thuộc chương trình nghệ thuật của manzi được hỗ trợ bởi quỹ Prince Claus.

CÁC TÁC PHẨM
​ẢNH TRIỂN LÃM

NGUYÊN VẸN NHƯ ĐÃ TỪNG


Bình luận về 'Những Chương vỡ' của giám tuyển Bill Nguyễn


Là một tổ hợp tản văn, video và đồ vật tìm thấy, các tác phẩm mới nhất của Nguyễn Trần Nam trong trưng bày cá nhân mang tên NHỮNG CHƯƠNG VỠ vừa mang đậm dấu ấn cá nhân, vừa mang tính đại chúng, bắt nguồn từ câu chuyện riêng của tác giả, cùng lúc vươn ra để kể câu chuyện chung của mọi người. Sử dụng khái niệm chiến tranh làm phông nền để khảo sát các đề tài bạo lực, cái chết và mối quan hệ giữa cha và con trai, Nam nêu ra quan điểm về sự tác động của tư tưởng và niềm tin tới việc xác lập căn tính và nhận thức của các thế hệ; đồng thời, anh thể hiện được các kẽ hở, các mảnh thất lạc cũng như sự gắn kết chặt chẽ giữa thế hệ này với thế hệ khác – bất chấp việc các thế hệ có xa rời nhau (hay khao khát được xa rời nhau) như thế nào. Với niềm ham thích tiểu thuyết và phim chiến tranh, và lấy cảm hứng từ trải nghiệm của cha mình với vai trò lính công binh và họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền trong chiến tranh Việt-Mỹ, người nghệ sĩ đã sắm hai vai diễn: vừa là nhà khai quật ký ức, vừa là người kể chuyện giả tưởng, thêu dệt họa tiết đời thực với sắc màu hư cấu, xây dựng một thế giới tưởng tượng không bị gò bó bởi bất kì sự thật, không gian hay thời gian nào.


Được sắp xếp rời rạc trong không gian trưng bày như thể các chương hồi của một cuốn tiểu thuyết bị biến dạng, mỗi tác phẩm là một mảnh vỡ góp phần kể câu chuyện chung, mời gọi người xem đừng ung dung ngắm nhìn thưởng thức, mà hãy bước ra khỏi khuôn khổ để tự tìm thấy mạch truyện và tạo mối liên hệ riêng của mình. Khô khan tới mức thách thức, yếu tố thị giác dường như đã bị vát mỏng một cách có chủ đích, cốt để làm rõ hơn nội dung và ngữ cảnh của tác phẩm. Mở đầu trưng bày là một đoạn phim gia đình có độ phân giải thấp - trông có vẻ được tải về từ tài khoản Youtube hay Facebook cá nhân của ai đó – làm chậm lại và chiếu liên tục từ tivi đặt trên nền nhà. Mô tả buổi học bắn súng giữa một cậu bé và cha của mình, đoạn phim cho ta thấy một khoảnh khắc - hay một hoạt động - tạo mối quan hệ, mối gắn kết giữa cha và con hết sức kì quặc: vừa ngập tràn yêu thương, vừa bất bình thường một cách đầy bạo lực. Những phút giây người cha dành cho con trai là hết sức quan trọng, và mối quan hệ mà người con trai có được với cha sẽ tác động lớn tới việc hình thành nhân cách trong tương lai. Cậu bé trong đoạn phim khi trưởng thành sẽ trở thành gì? Một cỗ máy giết người? Hay, một người bảo vệ cho lẽ phải? Liệu hành động học bắn súng có thể coi là một trong những nghi thức cơ bản để một cậu bé được công nhận là một người đàn ông? Hay, một hình thức lạm dụng trẻ em? Điều này cho ta thấy gì về giá trị con người và nền tảng văn hóa của chúng ta? Liệu súng – hay nói chính xác hơn là bạo lực – có nên được chấp nhận như một giải pháp trong thời khắc chính trị bất ổn định này? Hay, dân chủ và tự do quá trớn cuối cùng lại là một vấn đề?


Chạy dài trên tường như những tấm bằng khen hay giấy chứng nhận, tác phẩm thứ hai bao gồm mười ba văn bản viết tay và một bức ảnh cũ, tất cả đều được đóng khung cẩn thận và treo thẳng hàng với nhau. Tiến lại gần hơn, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi ta nhận ra những gì mắt mình đang đọc: tất cả các văn bản đều thuật lại khoảnh khắc trước, trong và sau khi một người bị giết – những tích tắc ấy, phù du giữa sự sống và cái chết. Sử dụng nhiều bút pháp khác nhau, khi đặc tả và nên thơ, lúc lê thê và cụt lủn, chuỗi tản văn mang đầy ám ảnh, mô tả mười ba cái chết, mười ba phương thức giết người, mười ba điểm nhìn. Từ những tay thực hiện án tử, những kẻ tham gia vào quá trình hành hình, tới những nạn nhân nằm lại trên vạch lằn của cõi chết; từ những khu rừng nhiệt đới với đầm bùn lầy lội, tới những cảnh quan hoang tàn bị thiêu đốt bởi mặt trời, ta có cảm giác các nhân vật đang tham gia vào một cuộc chiến tranh. Và nó có thể là bất cứ cuộc chiến nào, ở bất cứ địa điểm nào, thời gian nào; nó có thể đang diễn ra ngay lúc này, hay đã kết thúc từ hàng trăm năm trước, hay sẽ xảy ra ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Cho dù nó là một trận chiến của thất bại hay của chiến thắng, của máu hay của vinh quang, thì nó đều kết thúc bằng những cái chết. Phải có người chết – mặc cho họ là người hùng hay kẻ xấu, mặc cho họ là một trong số “chúng ta” hay một trong số “bọn chúng”. Tất cả những cái chết được miêu tả trong các văn bản này đều quay lại điểm khởi đầu, nơi treo tấm ảnh đen trắng, bạc màu, chụp lại hình ảnh một nhóm chàng trai trẻ. Họ là ai? Bạn bè? Đồng đội? Bằng hữu? Hay nói chính xác hơn, họ đã là ai? Càng khó hiểu hơn khi ta chỉ đếm được mười một người trong hình, hai người còn lại ở đâu? Tại sao họ vắng mặt?


Phải chăng một trong số họ là nhân vật nơi bức tranh bên cạnh? Là tác phẩm hội họa duy nhất trong trưng bày, đây có lẽ chất liệu truyền thống nhất, là thứ gần gũi nhất với những gì Nam được học trong trường Mỹ thuật. Với kích cỡ khiêm tốn, màu sắc tối giản, bức tranh mang một cảm giác lạnh lùng và được bố cục bất cân đối. Phần trung tâm rỗng và đặc quánh một màu đen, rạch ròi chia tấm toan thành hai phần: bên trên một đám mây lững lờ trôi, hoặc có lẽ bị đông cứng; ở dưới một người đàn ông, hoặc có lẽ là một người đàn bà, đang nằm sấp, nửa khuôn mặt vùi trong làn nước xanh, nửa kia nhìn thẳng vào chúng ta, vô cảm, hoặc có lẽ là bình thản. Trong lúc sự ảm đạm và kì quặc của tác phẩm cuốn hút sự chú ý của ta, thì cùng lúc nhân vật và cảnh vật đó – mà có lẽ là bản sao của họ - xuất hiện trong phần hai của tác phẩm, một thước phim trưng bày trên tầng hai. Một cách chậm rãi, thứ bất động bắt đầu di chuyển; một cách khẽ khàng, kẻ đã chết bắt đầu cất tiếng thở; một cách kì dị, sự yên lặng bị thay thế bởi những thoi thóp cuối cùng của sự sống. Khi bức tranh thức dậy và từng giọt máu bắt đầu trào ra khóe miệng nhân vật, một cảm giác xáo trộn và bí ẩn dần vang lên trong cơ thể ta và bao trùm không gian. Ghê rợn và mất phương hướng, đồng thời bị thúc giục và kích thích, ta nhận ra những gì mình đang chứng kiến: một người hấp hối gần kề cái chết. Anh ta đã chết như thế nào? Anh ta đã bị giết? Hay đã tự sát? Câu chuyện chết của anh đã diễn ra ra sao?


Những câu hỏi này tiếp tục quanh quẩn trong tâm trí ta, chỉ để phải đối mặt với sự trống trải hiển hiện trong căn phòng cuối cùng. Trên một trong những bức tường, đoạn phim chiếu viên đạn di chuyển trong không trung được lặp đi lặp lại. Tối tăm và bạo lực, hệt như chủ đề chính của trưng bày, hai đạo cụ của thần chết – súng và đạn – được liên tục nhắn tới xuyên suốt các tác phẩm: mỗi viên đạn được bắn trong đoạn phim mở đầu tràn ngập niềm kiêu hãnh và hạnh phúc; bản vẽ kỹ thuật các phần của khẩu súng được sử dụng làm nền trang trí cho các tờ giấy viết nên mười ba cái chết; một phát đạn có thể đã giết nhân vật chính trong đôi tác phẩm tranh – phim; và một vết thương gây nên bởi súng đạn là chủ đề tranh luận giữa hai cha con trong tác phẩm thứ hai ở căn phòng cuối cùng này, một tác phẩm chữ dán trên tường. Được viết bằng phong cách rất bản năng, với cảm xúc lấn át, đồng thời đan bện nhau một cách phi lô-gic, đoạn hội thoại xoay quanh các khái niệm như chiến thắng, lí do và giá trị; cùng lúc ám chỉ những mâu thuẫn và đấu tranh giữa người cha và người con trai, giữa cái cũ và cái mới, giữa cảm tính mất cân bằng và lí trí sắt đá. Liệu hai thể giới quá khác biệt này có bao giờ gặp nhau? Liệu rằngmối quan hệ của họ, một mối quan hệ được gắn kết bằng máu, có thể xoa dịu mối bất hòa?


Với NHỮNG CHƯƠNG VỠ, Nguyễn Trần Nam thử bước ra khỏi giới hạn của thị giác để khám phá một địa hạt hoàn toàn mới với anh: thực hành viết. Tại sao lại có sự thay đổi này? Có lẽ, viết là cách hiệu quả hơn để truyền đạt thông điệp, để chia sẻ ý tưởng và để dấy lên hi vọng; có lẽ, việc viết thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội và chính trị mà chúng ta thường kì vọng ở nghệ thuật; hay có lẽ, bản thân nghệ sĩ chỉ đơn giản muốn mở rộng lĩnh vực sáng tạo của họ. Dù thế nào, Nam cũng cần phải vượt qua thử nghiệm lần này, và cần chìm sâu vào bóng tối để tìm thấy ánh sáng. Có người nói, kết quả cuối cùng thể hiện trong trưng bày này đầy mơ hồ và bấp bênh; có người lại nói, nó hời hợt và không hoàn chỉnh. Nhưng, có một điều chúng ta không thể phủ nhận ở Nam: những gì anh đã viết và sáng tạo đều chảy từ nơi ấy – từ trái tim của người một nghệ sĩ; từ trái tim của một người con; từ trái tim của một người đã bị tổn thương, đau khổ và mất mát. Chính nơi đây ta gắn kết với anh, bởi dù sao chăng nữa, bất cứ ai trong chúng ta, vào một thời điểm nào đó, hẳn cũng đã từng trải qua tổn thương, đau khổ và mất mát. Và tất cả những gì ta khao khát lại là điều không thể: được nguyên vẹn như đã từng.

ĐÊM KHAI MẠC

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page