top of page

Bốn đề mục [Thấy hoặc Không thấy]

-
November 5, 2022
October 8, 2022
Nguyễn Huy An

Đánh dấu sự trở lại của Nguyễn Huy An sau 3 năm kể từ triển lãm cá nhân thứ ba của anh tại Sài Gòn năm 2019, trưng bày lần này tạo dựng một nơi chốn cho những vật thể/quan hệ cá biệt, một cuộc cùng hiện diện của những phần tử dị lạ (chúng xa lạ giữa nhau và thoạt trông cũng có vẻ xa lạ cả với những người đã biết đến và theo dõi thực hành nghệ thuật của Huy An lâu nay).


Không tái lặp những hình ảnh cũ (xoay quanh ký ức cá nhân và đồng quê Bắc Bộ) hay những biểu tượng thường trực (của văn hóa tâm linh, của tính thiêng - điều phàm) đậm màu hoài niệm quen thuộc trong sáng tác của An những năm qua, bốn đề mục - bốn bộ tác phẩm trong trưng bày lần này trình hiện những chiêm nghiệm mới và ‘vẫn đang tiếp diễn’ về khả thể của hành động nhìn/ của sự thấy:

- Một khảo cứu về vùng mù rất nhỏ trong tầm nhìn của ngựa
- Một mô phỏng lại ‘Dư địa chí’ thời Minh Mạng
- Một luồng sáng cực mạnh rọi vào nguồn sáng cực tiểu / dấu vết còn lại khi ánh sáng vắng mặt
- Một dải dài triền cảnh xóa nhòa, ngắt đều bởi 51 nhịp màu những vết cháy sáng của tấm ảnh đầu trong 1 cuộn phim


Một bảng sắc thái của các tình huống, những gạch đầu dòng của các khả năng; vừa rành mạch vừa kỳ bí, từ các nguồn tham chiếu hoàn toàn dị biệt; ‘Bốn đề mục [Thấy hoặc Không thấy]’ vì vậy như một chuỗi những ám hiệu cài xen vào những khoảng trống của không gian phòng triển lãm, không nhằm chủ đích tạo dựng một trần thuật cụ thể nào; thay vào đó những chỉ dấu này gần giống như hệ thống lẫy khóa, một khi thấy được mấu chốt, nhiều điều có thể cùng bật mở. Từng bộ tác phẩm - hiện diện như những mảnh lưu trữ vụn rời rải rác, ngoài sự thống nhất trong vẻ kiệm lời, tĩnh lặng, giản lược và đôi chút bóng dáng những ký hiệu cá nhân của Huy An (dấu ấn của ánh sáng và bóng tối - khoảng trống ẩn danh - việc lưu trữ những mảnh văn hóa rụng rơi, thu lưu bóng hình biến mất của quá vãng); bốn sắp đặt khi được cất để cạnh nhau vào trong một không gian đồng nhất với những vênh lệch về mặt thị giác, phát sinh sức nén của tùy tạo và ngẫu biến, của phi lý và phù du, của tính tuyệt đối với cái - không - hạn - định.


Thấy hoặc Không thấy’ bởi vậy, không phải là một phân định rạch ròi kiểu không là A thì hẳn là B; lại cũng hoàn toàn không phải một nghi ngờ, chất vấn để lựa chọn. Tất cả đều là ẩn dụ, điều gì đó nơi này nói về điều gì đó nơi kia; một tiếng “không” có thể là một tiếng “có”. ‘Bốn đề mục’ của Huy An mở ra một không gian phi giới hạn, nơi ta thử vượt thoát giới hạn thông thường trong nhận thức vốn luôn bị chi phối bởi thông tin thị giác.


*Sự kiện thuộc chương trình nghệ thuật của manzi được bảo trợ bởi Viện Goethe Hà Nội.

CÁC TÁC PHẨM
​ẢNH TRIỂN LÃM

bốn đề mục


#1.Khoảng mù

Khoảng mù nhỏ giữa 350 độ view mắt ngựa


#2. Trong vùng cánh gián

162 cảnh trong vùng cánh gián


#3. Điểm lóa

soi vào một ngọn nến – tia sáng (đèn pin) cường độ 500 lumen


#4. Chuỗi vạch nối tiếp

...phần 1 không hình phần 2 có hình phần 3 không hình phần 4 có hình phần 5 không hình phần 6 có hình phần 7 không hình phần 8 có hình phần 9 không hình phần 10 có hình phần 11 không hình phần 18 có hình phần 19 không hình phần 20 có hình phần 21 không hình phần 22 có hình phần 28 không hình phần 29 có hình phần 30 không hình phần 31 có hình phần 32 không hình phần 33 có hình phần 34 không hình phần 38 có hình phần 39 không hình phần 40 có hình phần 41 không hình phần 42 có hình phần 43 không hình phần 44 có hình phần 45 không hình phần 46 có hình phần 47 không hình phần 48 có hình phần 49 không hình phần 50 có hình phần 51 không hình phần 52 có hình.


Giữa các phần không hình và có hình là các vạch: đỏ, vàng, cam, hồng tía.…


________________________________________________________________


NÓI VỀ 4 ĐỀ MỤC CỦA NGUYỄN HUY AN  (Bài viết của Nguyễn Như Huy)


1. Nhìn ở góc độ nào đó, bi kịch Oedipus là một câu chuyện về quan hệ biện chứng giữa sự nhìn và sự thấy. Kẻ có mắt sáng để nhìn là Oedipus thực tế lại hoàn toàn mù lòa bởi không thấy sự thực. Nhà tiên tri mù không thể nhìn, song lại thấy sự thực. Và rốt cuộc hình phạt Oedipus dành cho bản thân chính là phá hủy công cụ nhìn là đôi mắt, sau khi thấy ra sự thực và từ đó sống trong sự thực với đôi mắt mù lòa.

Ở một góc độ nào đó, 4 ĐỀ MỤC của Nguyễn Huy An tại Manzi Art Space số 2 ngõ Hàng Bún cũng là một sự thị giác hóa mối quan hệ biện chứng phức tạp giữa sự nhìn và sự thấy như nói trên. Công cuộc thị giác hóa của Huy An dựa trên bốn câu hỏi (mà nghệ sỹ gọi là đề mục)

a/ câu hỏi về sự thấy không đầy đủ:  Câu hỏi này được đặt ra qua tác phẩm KHOẢNG MÙ hiện thực hóa góc nhìn chỉ có 350 độ của ngựa.


b/câu hỏi về sự thấy bị che đậy: Câu hỏi này được đặt ra qua tác phẩm TRONG VÙNG CÁNH GIÁN là các tấm vóc theo kích thước các bản khắc kinh Phật cổ, trên đó có vẽ lại tất cả các cảnh trên Cửu Đỉnh, là 9 cái đỉnh đồng do vua Minh Mạng lấy ý tưởng từ Cửu đỉnh của nhà Hạ ở Trung Quốc cho làm với chức năng là trọng khí đặt ở trước sân tông miếu của Nhà Nguyễn. Đây là báu vật tượng trưng cho đế nghiệp muôn năm vững bền của triều Nguyễn, tên gọi của mỗi đỉnh đang mang hàm ý của Minh Mạng: là thụy hiệu của các vua triều Nguyễn. Điểm đặc biệt là tất cả các tấm vóc nhỏ này sau khi được vẽ lên sẽ để nguyên không mài, và được phủ lên một lớp cánh gián dày, khiến cho tất cả các yếu tố hình ảnh bị che phủ. Ở đây ta thấy ra một thực tại: bản thân lịch sử bị che đậy qua chính thao tác diễn giải lịch sử.


c/ câu hỏi về sự biến mất tuyệt đối khỏi sự thấy trong khi vẫn đang có. Câu hỏi này được đặt ra trong tác phẩm ĐIỂM LÓA với một ngọn đèn cường độ 500 lumens chiếu thằng vào một ngọn nến và làm ngọn lửa nến biến mất tuyệt đối.


d/ câu hỏi về mối quan hệ giữa thấy và không thấy: Câu hỏi này được đặt ra qua tác phẩm CHUỖI VẠCH NỐI TIẾP, là một chuỗi các bức ảnh lỗi do bị lộ sáng , một nửa bức ảnh có nội dung còn nửa kia thì trắng xóa. Hành vi của nghệ sĩ trong tác phẩm là bịt đi cả phần có hình lẫn phần không có hình, chỉ để lại vạch màu ở giữa hai phần này. Ở đây, ta thấy rõ rằng: nghệ sĩ đã tìm cách làm lộ ra mối quan hệ sự thấy và sự không thấy. Trong tác phẩm này, mối quan hệ ấy không phủ định, mà khẳng định lẫn nhau. Cái này chỉ có khi cái kia có, hay nói cách khác mỗi cái đều là tiềm thể và hiện thể của cái kia.


2. Về bản chất, 4 ĐỀ MỤC đề hóa về sự không thấy, hay nói đúng hơn, về việc tìm cách thấy ra sự không thấy. Ở đây sự không thấy không phải là sự không có gì để thấy, tức một thực tại có tính phủ định về thị giác, mà là một dạng nhận thức về giới hạn của thị giác để qua đó khẳng định về một cái biết nằm ngoài giới hạn ấy. Thấy ra được sự không thấy không phải là một cấu trúc nghịch lý kiểu giảo biện, trái lại, đó có thể chính là một thành tựu về nhận thức theo cách Kinh Bát Nhã thấy ra được bản chất của vũ trụ là cái rỗng không (śūnyatā), vượt khỏi mối mâu thuẫn giữa có và không có.

ĐÊM KHAI MẠC

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page