Nguyễn Văn Cường
tiểu sử
Nguyễn Văn Cường sinh năm 1972 tại Thái Bình và tốt nghiệp trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam vào năm 1996. Anh được biết đến như một trong những nghệ sĩ đương đại xuất sắc của Việt Nam.
Lớn lên và bắt đầu thực hành nghệ thuật trong giai đoạn chuyển biến quan trọng của Việt Nam, từ thời kỳ bao cấp tới giai đoạn Chủ nghĩa Xã hội mang định hướng thị trường (chính sách đổi mới), các tác phẩm của Cường phản ánh một cách vừa gay gắt vừa châm biếm đối với những thay đổi về chính trị và xã hội. Xuyên suốt các tác phẩm của Cường là chủ đề về sự xuống cấp xã hội, “ô nhiễm văn hóa”. Tranh Cường tràn ngập các biểu tượng gay gắt về một Việt Nam tư bản và một Việt Nam của chủ nghĩa tiêu thụ, ví dụ như hình đầu Benjamin Franklin trên tờ 100 đô-la Mĩ, máy hát karaoke, máy tính hay gái điếm... Cường từng nói “Chúng ta cần làm nghệ thuật phản tư cho cái xã hội đang thay đổi này. Chúng ta nên khiến nghệ thuật trở nên cần thiết cho đời sống. Nghệ thuật có thể rất hữu ích. Nghệ thuật không chỉ để trang trí mà phải tạo đối thoại với người xem.”
Các tác phẩm của anh mạnh mẽ, dữ dội, đề cập một cách trực tiếp tới vấn đề xã hội, do đó đối lập hoàn toàn với định nghĩa thường gặp về “mĩ thuật” Việt Nam.