top of page

THẤU

-
January 16, 2017
December 16, 2016
Nguyễn Phi Phi Oanh

THẤU gồm loạt tác phẩm sơn mài trên kính - một thử nghiệm mà Phi Phi Oanh đang nghiên cứu và phát triển trong suốt nhiều năm.


Scrying (tên tiếng Anh của triển lãm) có nghĩa là thuật bói/ tiên tri sử dụng quả cầu thuỷ tinh hoặc một chất liệu có tính phản chiếu để xem về tương lai. Tại triển lãm này, các tấm kính phóng đại được sử dụng để giúp người xem chiêm ngưỡng được các lớp 'da' của sơn mài. Tên triển lãm “Scry” (Thấu), vì vậy, tạo gợi mở về đặc tính của hình ảnh với hiệu ứng thị giác kỳ ảo và mơ hồ - Một hiện thân của tương lai bất chấp mọi nỗ lực nắm bắt tuyệt vọng của con người.


Trong series tác phẩm lần này, kích cỡ các lớp 'da' sơn mài được mô phỏng theo kích cỡ màn hình cảm ứng máy tính bảng. Với dạng thức mô phỏng đó, qua nghệ thuật sơn mài, người nghệ sĩ phản chiếu lại hình ảnh đương đại mà các công nghệ mới như kỹ thuật số, truyền thông vệ tinh, công nghệ nano hay drone (thiết bị bay không người lái) tạo dựng nên. Tất cả những hình ảnh này chính là một tấm gương soi cho phép chúng ta nhìn lại, để nắm bắt và thấu suốt đến tận cùng không gian và thế giới vật chất quanh mình.


Các thấu kính phóng đại tăng cường ảo giác mê hoặc của tranh sơn mài vừa phô bày những cấu trúc ẩn sâu của chất liệu ấy. Những lớp lớp sơn mài trên kính được rọi chiếu từ cả hai mặt trước và sau để phô bày, lột tả triệt để những tinh túy thuần chất của sơn mài- điều khó có thể đạt được ở bất cứ một bề mặt nào khác.

CÁC TÁC PHẨM
​ẢNH TRIỂN LÃM

Có lẽ sẽ là lỗi thời nếu ngày nay còn bàn về phương tiện thể hiện của nghệ thuật đương đại và hội họa. Tuy nhiên, đối với tôi, chất liệu 'sơn ta' là thứ vượt xa ý nghĩa của một phương tiện tạo hình. Đó là một chất liệu văn hóa chứa đựng mọi thay đổi lớn có tính biện chứng của xã hội Việt Nam thông qua những thay đổi trong dạng thức và cách dùng của nó. Tranh sơn mài là một phần lịch sử của sự khác biệt. Kể từ khi được coi là một hình thức hội họa tại Việt Nam, nó cũng đã đồng thời tạo ra một dạng thức chính trị mang  tính cá biệt, bản sắc dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và hiện thực ảo như hiện nay, việc sử dụng  sơn ta là cách của chính tôi để dung hòa hai thái cực của trào lưu đồng nhất hóa toàn cầu và chủ nghĩa địa phương hóa theo lãnh thổ. Bằng việc sử dụng sơn mài, tôi hy vọng mở rộng được phạm vi luận giải cho phương tiện thể hiện này và tạo ra được những tác phẩm đóng góp cho trải nghiệm của chúng ta về việc xem và cách nhìn. Nếu như đặc thù lãnh thổ, tính vật chất, sự độc nhất vô nhị và môi trường có một ý nghĩa nào đó trong thời hiện tại, thì chúng đều có thể được khám phá trong chất liệu này.


- Phi Phi Oanh

ĐÊM KHAI MẠC

Xem thêm về nghệ sĩ

bottom of page